Cơ hội và thách thức với ngành nông nghiệp Việt Nam để thu hút FDI
Thu hút nguồn vốn FDI đang dần trở thành một nguồn lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế tại Việt Nam. Từ năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã đặt mục tiêu thu hút 25 tỷ USD vốn FDI cho lĩnh vực nông nghiệp.
Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 do Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Bộ Tài chính) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 23/4 vừa qua đã đưa ra nội dung về thu hút FDI trong nông nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Võ Văn Hưng, ngành nông nghiệp nước ta có nhiều tiềm năng và dư địa lớn để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.
Là một quốc gia có nền nông nghiệp phong phú và đa dạng, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đầu tư. Hiện nay, Việt Nam cũng đang quyết liệt chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng “xanh hóa”, “số hóa” nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế, cho thấy những nỗ lực của nước ta trong việc thu hút nguồn vốn FDI.

Chia sẻ tại Diễn đàn, các chuyên gia cho rằng nguồn vốn FDI đem lại rất nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp nước ta. Một trong những lợi ích lớn nhất của FDI là việc chuyển giao công nghệ và kỹ thuật hiện đại từ các nước phát triển. Từ đó giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, sự hiện diện của FDI trong ngành nông nghiệp cũng tăng cường tính cạnh tranh cho thị trường nội địa. Khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước sẽ buộc phải cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình để cạnh tranh. Sự cạnh tranh này tạo ra môi trường sản xuất hiệu quả hơn và thúc đẩy phát triển bền vững.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tính tới hết năm 2024, Việt Nam có 729 dự án FDI thuộc lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, với tổng vốn gần 12 tỷ USD. Trong đó, có 537 dự án đầu tư vào nông nghiệp. Khoảng hơn 500.000 việc làm đã được mở ra trong khu vực FDI, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hình thành chuỗi cung ứng hiệu quả.

Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong các dự án nông nghiệp thuộc khu vực FDI. Phần lớn dự án chỉ đạt quy mô vừa và nhỏ, khoảng 23% số dự án FDI có vốn đầu tư dưới 1 triệu USD, chưa tạo được đột phát trong chuyển đổi sản xuất.
Bên cạnh đó, các dự án FDI mới chỉ tập trung tại những khu vực phát triển. Các nhà đầu tư vẫn đang bỏ qua những vùng sâu, vùng xa vì còn nhiều bất tiện trong giao thông, hạ tầng cơ sở. Cùng với đó là nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm môi trường trong các dự án đầu tư nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Cạnh tranh thị trường nội địa vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đặt ra đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Nếu không có các cơ chế để đảm bằng cân bằng thị trường cho tất cả các bên, sẽ dẫn tới tình trạng thiếu công bằng, gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.
Trước những thách thức mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt, Thứ trưởng Võ Văn Hưng đã đưa ra một số đề xuất. Theo đó, ngành nông nghiệp cần xây dựng các chính sách, cơ chế rõ ràng, phù hợp với tình hình hiện nay.
Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần đi liền với bảo vệ môi trường, đảm bảo tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh. Ngành nông nghiệp cần ưu tiên cho các dự án FDI thân thiện với thiên nhiên, đảm bảo phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, FDI không chỉ là nguồn vốn mà còn là chất xúc tác cho đổi mới sáng tạo, nâng cao nội lực và chuyển đổi mô hình phát triển. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư có trách nhiệm và cam kết trở thành người bạn đồng hành tin cậy, cùng kiến tạo một Việt Nam sinh thái, thịnh vượng và bền vững.