|
Hà Nội --°C / --%
Thứ ba, 13/05/2025 12:37

Cuộc đua tăng vốn của các “ông lớn” hàng không ACV, Vietnam Airlines, Vietjet

Cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành hàng không, các “ông lớn” hàng không đang gấp rút chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn để cải thiện năng lực tài chính nhằm phục vụ cho kế hoạch mở rộng hoạt động, tận dụng tiềm năng của thị trường và bứt tốc trong giai đoạn tiếp theo.

acv-1747103534.png
ACV lần đầu tiên có kế hoạch tăng vốn điều lệ kể từ khi giao dịch trên sàn UPCoM từ tháng 11/2016. (Ảnh minh họa)

Kế hoạch tăng vốn “khủng” của ACV, Vietnam Airlines

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phân phối lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 31/12/2023 và phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên.

Theo đề xuất, ACV dự kiến trích hơn 7.132 tỷ đồng từ gần 21.192 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 31/12/2023 cho quỹ đầu tư phát triển, hơn 14.059 tỷ đồng còn lại dành để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ dự kiến là 64,58%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 64,58 cổ phiếu mới (phần cổ phiếu lẻ bị huỷ bỏ).

Cụ thể, công ty sẽ phát hành hơn 1,4 triệu cổ phiếu để chi trả cho cổ đông. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2025, tùy vào quyết định chốt quyền của hội đồng quản trị (HĐQT). Toàn bộ cổ phiếu phát hành để trả cổ tức sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Sau phát hành, ACV sẽ tăng vốn điều lệ từ 21.771 tỷ đồng lên 35.830 tỷ đồng, lọt vào nhóm doanh nghiệp có vốn điều lệ tỷ USD trên sàn chứng khoán (sau Vietcombank, BIDV, Vinhomes, Vingroup).

Một “ông lớn” hàng không khác là Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã HVN) cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hàng chục nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, vào cuối tháng 11 năm ngoái, Quốc hội đã thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ COVID-19 để Vietnam Airlines sớm phục hồi và phát triển bền vững. Theo đó, hãng hàng không quốc gia được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.000 tỷ đồng khi đáp ứng các quy định của Luật Chứng khoán.

Giai đoạn 1, Quốc hội cho phép Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines. Giao dịch thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua khi thực hiện phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 1 với quy mô phát hành 9.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2, chấp thuận về chủ trương, giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện phương án, trong đó bao gồm phương án Nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp, với quy mô phát hành tối đa 13.000 tỷ đồng. Trường hợp phát sinh vướng mắc thì tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền.

Ngay sau khi được cho phép chào bán thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, ngày 9/12, HĐQT Vietnam Airlines đã thông qua nghị quyết về việc triệu tập phiên họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 21/1/2025 để trình cổ đông phương án phát hành cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ và những định hướng trong Đề án phục hồi sản xuất, cơ cấu đến 2035 cũng như chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư đội tàu bay thân hẹp.

Tuy nhiên gần tới thời điểm trên, HĐQT Vietnam Airlines đã lùi ngày họp xuống 13/2/2025 với do kế hoạch công tác của lãnh đạo tổng công ty thay đổi. Đến đầu tháng 2/2025, Vietnam Airlines tiếp tục lùi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2025 sau ngày 13/2/2025 với lý do có nhiều nội dung quan trọng cần chuẩn bị. Và đến ngày 29/4, công ty một lần nữa lùi thời gian họp đến sau ngày 30/4 và không chậm hơn ngày 30/6/2025. Gần nhất, trong thông báo ngày 8/5, Vietnam Airlines chốt sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào ngày 22/6, ngày đăng ký cuối cùng để chốt quyền tham dự đại hội là 27/5.

Dù nội dung chi tiết các tờ trình tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 chưa được công bố, nhưng có khả năng tại kỳ họp quan trọng này, Vietnam Airlines sẽ trình cổ đông phương án chào bán thêm cổ phiếu để tăng vốn. Nếu hoàn tất việc phát hành, vốn điều lệ của Vietnam Airlines sẽ tăng thêm tối đa 22.000 tỷ đồng, lên mức hơn 44.100 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ này, Vietnam Airlines cũng sẽ gia nhập nhóm doanh nghiệp có vốn điều lệ tỷ USD trên sàn.

Cùng có kế hoạch tăng vốn, hồi tháng 2/2025, Công ty CP Hàng không Vietjet (mã VJC) đã công bố nghị quyết thông qua triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ, phương án đảm bảo việc phát hành cổ phiếu đáp ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài và hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Theo đó, HĐQT Vietjet thông qua phương án chào bán 50 triệu cổ phiếu VJC với giá chào bán 100.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị cổ phiếu dự kiến chào bán thêm theo mệnh giá là 500 tỷ đồng; tổng số tiền thu được dự kiến từ đợt chào bán là 5.000 tỷ đồng. Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ của Vietjet sẽ tăng thêm 500 tỷ đồng, lên hơn 5.916 tỷ đồng.

Vietjet cho biết đã tìm được 2 nhà đầu tư dự kiến mua cổ phiếu riêng lẻ đợt này gồm: Công ty CP Aviation (dự kiến được phân phối 25 triệu cổ phiếu) và Công ty CP Đầu tư Dynamic & Development (dự kiến được phân phối 25 triệu cổ phiếu).

Trước đó, vào tháng 11/2024, Công ty Cổ phần Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Vietravel nắm 85,8% vốn điều lệ.

maybay-1-1747110357.jpg
Ngành hàng không đã phát triển lại mạnh mẽ sau "cú sốc" từ đại dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Đẩy mạnh đầu tư, đón đầu chu kỳ tăng trưởng

Các doanh nghiệp hàng không đồng loạt tăng vốn trong bối cảnh ngành hàng không đang vực dậy mạnh mẽ sau “cú sốc” từ đại dịch COVID-19. Cùng với sự khởi sắc trở lại của kết quả kinh doanh, việc tăng vốn được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp hàng không cải thiện và nâng cao năng lực tài chính để tiếp tục đầu tư mở rộng hoạt động, tận dụng tiềm năng của thị trường và bứt tốc trong giai đoạn tiếp theo.

Với ACV, công ty đang chuẩn bị nguồn lực cho hàng loạt dự án đầu tư lớn trong giai đoạn tới. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 - công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. ACV được giao làm chủ đầu tư hạng mục nhà ga hành khách, hệ thống sân đỗ, đường lăn, với tổng giá trị xây dựng lên đến hàng chục nhìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ACV còn có kế hoạch mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không trọng điểm như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Đồng Hới, Cà Mau… để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hành khách và hàng hóa.

ACV hiện đang quản lý, vận hành 22 cảng hàng không trên cả nước, bao gồm 9 sân bay quốc tế, chiếm gần như toàn bộ hệ thống hạ tầng hàng không dân dụng tại Việt Nam.

Trong năm 2024, các sân bay do ACV khai thác đã phục vụ khoảng 109 triệu lượt hành khách, trong đó có 41 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa mức trước dịch COVID-19. Kết quả, năm 2024 ACV ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế kỷ lục (lần lượt đạt 22.597 tỷ đồng và 11.677 tỷ đồng).

Sang năm 2025, ACV đặt mục tiêu phục vụ 118,9 triệu lượt khách, tăng 7,4% so với năm 2024. Trong đó, khách quốc tế là 44 triệu lượt và khách trong nước là 72,9 triệu lượt, đều tăng trên 7% so năm 2024. Tuy nhiên, lại khá thận trọng với mục tiêu kinh doanh năm nay khi doanh thu theo kế hoạch chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với năm 2024 và lợi nhuận trước thuế thậm chí “đi lùi” 26%, đạt 10.713 tỷ đồng.

Quý đầu năm 2025, ACV mang về hơn 6.368 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 3.865 tỷ đồng và 3.014 tỷ đồng, tương ứng tăng 1% và 6% so với cùng kỳ và đã thực hiện được khoảng 36% kế hoạch năm.

Giai đoạn kinh doanh cao điểm quý I/2025 cũng mang đến cho Vietnam Airlines kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu thuần theo quý cao kỷ lục, đạt hơn 30.550 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.486 tỷ đồng (mức lợi nhuận theo quý cao thứ hai trong lịch sử hoạt động, chỉ sau quý I/2024 – đạt 4.441 tỷ). Trước đó, kết thúc năm 2024, Vietnam Airlines đã báo trở lại (lãi sau thuế 7.958 tỷ đồng) sau 4 năm thua lỗ liên tục.

hvn-1747103671.png

Nhờ tiếp tục lãi lớn trong quý I/2025, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines tính đến thời điểm ngày 31/3/2025 còn âm 5.854 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức âm 9.344 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm. Trong khi đó, lỗ lũy kế giảm từ 33.614 tỷ đồng còn 30.216 tỷ đồng.

Theo đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong năm 2025 Vietnam Airlines dự kiến khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu hợp nhất, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư. Việc này sẽ giúp hãng hàng không quốc gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu.

Trong kế hoạch mở rộng, Vietnam Airlines dự kiến đầu tư 50 tàu thân hẹp, với giá trị khoảng 92.800 tỷ đồng, tức bằng 1,6 lần tổng giá trị tài sản của hãng này, tính theo báo tài chính đến hết năm 2024. Theo Vietnam Airlines, đến năm 2030, nhu cầu đội bay thân rộng của hãng là 37 tàu, thân hẹp 95 và 5 ATR. Dự kiến đến năm 2035, hãng cần 52 tàu thân rộng, 112 tàu thân hẹp. Hiện tại, đội bay của hãng hàng không quốc có khoảng 100 chiếc, trong đó có hơn 30 máy bay thân rộng.

Việc bổ sung đội tàu bay thân hẹp đã được Vietnam Airlines lên kế hoạch từ cách đây vài năm để phục vụ nhu cầu vận chuyển trong tương lai và thay thế những tàu A321 CEO cũ nhưng quá trình này gặp vướng mắc do đại dịch và một số quy định hiện hành.

Theo quy định hiện hành tại Luật số 69 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, với dự án có mức đầu tư lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản, doanh nghiệp cần xin ý kiến Bộ Tài chính trước khi thực hiện biểu quyết tại ĐHĐCĐ và HĐQT. Tuy nhiên, Bộ cũng lưu ý Vietnam Airlines cần phải báo cáo Thủ tướng trước để xem xét cho ý kiến.

Nếu được Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, Vietnam Airlines mới thực hiện được thủ tục triển khai dự án. Đồng thời, doanh nghiệp này cần chịu trách nhiệm toàn diện, đảm bảo hiệu quả đầu tư và bảo toàn vốn Nhà nước.

Cùng trong cuộc “chạy đua” mở rộng đội tàu bay, ngày 9/4/2025, Vietjet Air và AV AirFinance đã ký kết thỏa thuận hợp tác tổng trị giá 300 triệu USD dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và lãnh đạo cấp cao của Việt Nam trong khuôn khổ chuyến công tác nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương Việt - Mỹ.

Theo Vietjet Air, thoả thuận này là một phần trong loạt thỏa thuận tài chính trị giá 4 tỷ USD mà Vietjet đã thực hiện cùng các đối tác Mỹ để phục vụ kế hoạch phát triển đội tàu bay mới gồm gần 300 tàu bay dự kiến được bàn giao trong giai đoạn 2025-2027.

Năm 2025, Vietjet bắt đầu tiếp nhận các tàu bay Boeing 737 Max đầu tiên trong đơn hàng 200 chiếc trị giá hơn 24 tỷ USD được công bố dưới sự chứng kiến của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Việt Nam ngày 27/2/2019. Hãng hiện cũng đang trong quá trình đàm phán để mở rộng đơn hàng này, phục vụ chiến lược phát triển toàn cầu.

Trong những tháng đầu năm Vietjet đã mở rộng mạng đường bay quốc tế để khai thác tiềm năng từ sự tăng trưởng của thị trường khách du lịch quốc tế. Quý I/2025 hãng ghi nhận doanh thu thuần đạt 17.952 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 641 tỷ đồng, tăng lần lượt 1% và 19% so với cùng kỳ năm 2024.

Tăng trưởng khả quan trong quý I/2025 là sự khởi đầu báo hiệu một năm tiếp tục “thuận chiều gió” của các doanh nghiệp hàng không, nhất là cao điểm du lịch hè đang đến gần. Riêng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua số lượt chuyến bay cất, hạ cảnh đã tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng lượt khách tăng gần 26% (đạt hơn 2 triệu lượt) và vận chuyển hàng hóa tăng hơn 18% so với cùng kỳ (đạt hơn 23.000 tấn).

Đinh Thơm  
Cuộc đua tăng vốn của các “ông lớn” hàng không ACV, Vietnam Airlines, Vietjet
Liệu năm 2025 có phải là “năm vàng” cho các nhà đầu tư?
Cần Thơ thúc đẩy mô hình hợp tác chuyển đổi số, sản xuất tuần hoàn
Doanh nghiệp đẩy mạnh tận dụng các FTA đa dạng các thị trường xuất khẩu để giữ nhịp tăng trưởng
Dệt may khởi sắc dù đối diện nguy cơ áp thuế đối ứng của Mỹ
Doanh nghiệp gấp rút hoàn thiện đơn hàng xuất khẩu, chủ động thích ứng với chính sách mới
Tiếp tục gia hạn các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Vingroup báo doanh thu quý I/2025 cao kỷ lục, giữ vững vị thế là doanh nghiệp tư nhân có quy mô tài sản lớn nhất cả nước
Bình Dương sẽ là điểm đến “vàng” đối với các nhà đầu tư
Xem xét các chính sách ưu đãi logistic cảng biển hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Du khách đến Vũng Tàu tắm biển đông kỷ lục
Ngành hàng tiêu dùng nhanh bắt kịp xu hướng chuyển đổi xanh
Thúc đẩy kinh tế xanh để phát triển bền vững
Doanh nghiệp bán lẻ linh hoạt kích cầu tiêu dùng trong cao điểm mua sắm dịp nghỉ lễ
Ninh Bình: Khơi thông thị trường lao động, mở ra cơ hội mới cho người dân
Đột phá từ sản xuất cá rô phi, đa dạng hóa sản phẩm trong chiến lược phát triển thủy sản bền vững
Thúc đẩy startup phát triển theo tiêu chuẩn ESG
Giá vàng neo ở mức cao trước kỳ Đại lễ 30/4
Nhiều chương trình hấp dẫn chờ đón du khách tại Đắk Lắk dịp lễ 30/4
Cả nước có 152 doanh nghiệp đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo
Xem thêm