Đẩy mạnh tín dụng tại Kiên Giang - Bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế vùng
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã chủ động đẩy mạnh dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, từ đó góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và cải thiện đời sống người dân.

Hệ thống ngân hàng tại Kiên Giang thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế địa phương thông qua việc cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho doanh nghiệp và nông dân phục vụ sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Nhờ đó, kinh tế địa phương có thêm động lực tăng trưởng. Năm 2024, tổng GRDP khu vực 15 đạt khoảng 481,64 ngàn tỉ đồng, chiếm khoảng 34% GRDP toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực này dao động từ 6,44% đến 7,5%, riêng Kiên Giang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 7,5%.
Từ tháng 9/2024 đến nay, hơn 1.800 hộ nông dân trồng lúa tại Kiên Giang, trong đó có ông Hùng, đã được tiếp cận nguồn vốn vay không cần tài sản đảm bảo nhờ chương trình phối hợp giữa KienlongBank - Chi nhánh Rạch Giá và Hội Nông dân tỉnh. Với thủ tục đơn giản theo mô hình tổ vay vốn, hơn 155,5 tỉ đồng đã được giải ngân, hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất, đồng thời góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực 15 – ông Trần Văn Phước cho biết, ước đến tháng 3/2025, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng tại Kiên Giang đạt khoảng 136.300 tỉ đồng, tăng 10,32% so với cùng kỳ. Trong đó, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng lớn với 70.949 tỉ đồng (52,8%); tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 18.702 tỉ đồng (14%); tín dụng lĩnh vực xuất khẩu đạt 7.693 tỉ đồng (6%).
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân tiếp tục là ưu tiên hàng đầu. Các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều gói vay ưu đãi, bao gồm giảm lãi suất và cho vay ngắn hạn bằng VND, USD với lãi suất cạnh tranh dành cho cả doanh nghiệp và cá nhân.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - Chi nhánh Kiên Giang hiện là ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có dư nợ cao nhất, với 6.596 tỉ đồng, chiếm 4,9% tổng dư nợ toàn tỉnh.
Giám đốc Sacombank - Chi nhánh Kiên Giang - Phạm Thái Bình, cho biết: "Nền kinh tế năm 2025 được dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn và thách thức. Để tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, khách hàng, ngay trong những ngày đầu tháng 3-2025, Sacombank triển khai gói tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân với mức lãi suất ưu đãi 4%/năm; đồng thời, phát hành thẻ tín dụng doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp tiện lợi, linh hoạt hơn trong việc chi tiêu trước, thanh toán sau, giải quyết các chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Song song đó, Sacombank cũng ưu đãi về phí đối với giao dịch tại quầy, đặc biệt, giảm 50% phí thanh toán quốc tế đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu".
Phó Giám đốc KienlongBank – Chi nhánh Rạch Giá, ông Lâm Văn Tỷ cho biết, nối tiếp hiệu quả từ chương trình cho vay không cần tài sản thế chấp dành cho nông dân trồng lúa triển khai từ tháng 9-2024, ngân hàng tiếp tục giới thiệu sản phẩm tín dụng mới mang tên "Tín dụng xanh – nước ngọt lành", quy mô 100 tỉ đồng. Gói vay này hỗ trợ bà con nông dân đầu tư thiết bị xử lý, trữ và bơm nước ngọt phục vụ đời sống và sản xuất.

Đồng thời, từ ngày 31-3-2025, KienlongBank triển khai thêm gói tín dụng ưu đãi 1.000 tỉ đồng dành cho cá nhân có sản phẩm OCOP, trong đó các chủ thể OCOP được cấp hạn mức vay tín chấp lên đến 500 triệu đồng. Đặc biệt, ngân hàng cũng áp dụng chính sách giảm lãi suất 2%/năm cho hội viên nông dân trồng lúa; riêng trường hợp đang có dư nợ tại công ty tài chính sẽ được giảm 1%.
Trong năm 2025, KienlongBank – Chi nhánh Rạch Giá đặt mục tiêu giải ngân 200 tỉ đồng đến hết tháng 6 và 400 tỉ đồng đến cuối năm./.