"Nới" visa để tạo đột phá phát triển du lịch
Du lịch được xác định là một trong ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Việc mở rộng visa cho du khách sẽ thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp trong ngành, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế.

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp.
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 06/5, hướng tới hoàn thành các mục tiêu năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó du lịch cũng là tâm điểm.
Cụ thể ở nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 4, Thủ tướng nhấn mạnh phát triển du lịch với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện"; thực hiện tốt chương trình kích cầu du lịch 2025; xem xét, quyết định miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn cho một số trường hợp…
Theo đánh giá của đại diện nhiều doanh nghiệp, đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong ngành du lịch. Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng giám đốc Vietravel, để phát triển theo phương châm trên, Vietravel tiếp tục tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch chuyên đề về văn hóa, ẩm thực, sinh thái, wellness (sức khỏe toàn diện), kết hợp đa dạng trải nghiệm và cá nhân hóa theo nhu cầu.
Với việc xem xét miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn cho một số người là nhà khoa học, doanh nhân, nghệ sĩ, vận động viên thể thao… và công dân một số nước, nhất là bạn bè truyền thống, các đối tác quan trọng. Theo bà Hoàng, đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp tận dụng.
Để tiếp cận nhóm khách hàng mới, bà Hoàn cho biết: "Doanh nghiệp sẽ tập trung khai thác phân khúc khách hàng chất lượng cao bằng các gói du lịch kết hợp công tác, hội thảo với trải nghiệm văn hóa, nghỉ dưỡng cao cấp. Đồng thời xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các tổ chức khoa học, doanh nghiệp, hiệp hội văn hóa, thể thao…".
Gia tăng cơ hội thu hút đầu tư vào Việt Nam
Theo ông Từ Quý Thành - Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, lâu nay doanh nghiệp đều có chiến lược kinh doanh với linh hoạt những sản phẩm. Nếu sắp tới miễn visa có thời hạn cho một số trường hợp, là thông tin "bổ ích" cho doanh nghiệp.
Ông Thành cho biết: "Công ty lữ hành làm inbound có đối tác nước ngoài, đa số đều chuẩn bị tinh thần chờ quyết định chính thức để gửi thông tin cho doanh nghiệp đối tác. Sản phẩm cũng đã chuẩn bị sẵn, tôi nghĩ không ít doanh nghiệp du lịch đang trong trạng thái chờ đón thêm cơ hội mới".
Theo ông Thành, để đóng góp chung, để có tổng lực, doanh nghiệp rất mong muốn Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, quảng bá, có chính sách marketing tốt.
"Vì doanh nghiệp đã sẵn sàng lâu rồi. Như các doanh nghiệp làm thị trường inbound (khách nước ngoài đến Việt Nam) đã có sản phẩm hết rồi, đẩy mạnh phát triển rồi, chỉ cần có "lực đẩy" về xúc tiến quảng bá, cần chi phí lớn, đủ mạnh để thuyết phục các thị trường lớn, để tăng lượng khách vào và mang về những con số lạc quan", ông Thành nói.
Việc mở rộng chính sách miễn visa sẽ làm tăng lượng khách quốc tế; tăng chi tiêu cho ngành du lịch và các dịch vụ tại điểm đến. Hay kéo dài thời gian lưu trú để khách có nhiều trải nghiệm ở các tỉnh, thành của Việt Nam và cũng gia tăng cơ hội thu hút đầu tư vào Việt Nam, phát triển kinh tế chung của cả nước. Hơn nữa, việc miễn visa hướng đến khách du lịch cao cấp còn nâng cấp, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch cao cấp, nâng cao thương hiệu và vị thế của Việt Nam trên thị trường du lịch toàn cầu. Du lịch phát triển thì sẽ lan tỏa kéo theo sự phát triển của hàng không, vận tải, lưu trú, mua sắm...