Giải ngân vốn đầu tư công 'ì ạch' và những 'kế sách' thúc đẩy của Bộ Tài chính
Nguồn vốn đầu tư công luôn được coi là đòn bẩy cho phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/4, ước giải ngân vốn đầu tư công là 128.512,9 tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tiến độ giải ngân đầu tư công được đánh giá là "ì ạch" và Bộ Tài chính đã chỉ rõ những nguyên nhân đồng thời triển khai các giải pháp thúc đẩy.

Đầu tư công chậm, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân
Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 được giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 825.922,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kế hoạch vốn các năm trước được kéo dài và kế hoạch vốn các địa phương tự cân đối, bổ sung thêm tổng cộng hơn 97.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư công tính đến nay đã lên tới 923.030,5 tỷ đồng, một con số lớn chưa từng có.
Tính đến cuối tháng 4/2025, tổng số vốn đã được phân bổ là 869.751,5 tỷ đồng, đạt 96,63% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Vẫn còn 19/47 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương chưa phân bổ hết vốn, tổng số còn lại là 27.861,8 tỷ đồng.
Đặc biệt, vốn ngân sách Trung ương (NSTW) chưa phân bổ chi tiết chiếm tới 9.965,9 tỷ đồng. Đây là một con số đáng lưu ý bởi sau thời hạn 15/3 – mốc Chính phủ yêu cầu hoàn tất phân bổ vốn. Việc chậm trễ không những ảnh hưởng tới tiến độ thi công các dự án, mà còn kéo theo nguy cơ bị thu hồi vốn.
Ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/4 là 128.512,9 tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2024 đạt 16,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn ngân sách địa phương có tỷ lệ đạt 17,2% cao hơn cùng kỳ năm 2024 (16,56%).
Trong số 110 đơn vị được giao vốn, chỉ có 10 bộ, cơ quan Trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân vượt mức trung bình, điển hình là: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (86,43%), Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%), Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%)… và các địa phương như Phú Thọ, Lào Cai, Thanh Hóa, Hà Nam, Bắc Kạn, Hà Tĩnh… đều đạt trên 30%.
Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân (9 bộ, cơ quan Trung ương, bao gồm: Văn phòng Chủ tịch nước, Thanh tra Chính phủ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Kiểm toán nhà nước,…) hoặc giải ngân rất thấp (15 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân dưới 5% như: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại học quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh,… và 12 địa phương giải ngân dưới 10% như: Khánh Hòa; Cao Bằng; Bình Dương; Đồng Nai; An Giang; Sóc Trăng; Quảng Trị…).

Theo Bộ Tài chính, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm phân bổ vốn. Trước hết là việc nhiều dự án chưa hoàn tất thủ tục đầu tư, hoặc đang chờ điều chỉnh trong kế hoạch trung hạn. Một số khác vướng mắc với các dự án ODA chưa ký hiệp định vay, hoặc đang trong quá trình gia hạn. Ngoài ra, nhiều địa phương đề xuất trả vốn do không có nhu cầu sử dụng, hoặc vướng thủ tục giải thể, điều chỉnh bộ máy, khiến việc phân bổ không thể hoàn tất đúng hạn.
Bộ Tài chính cũng tổng hợp các nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm không chỉ xuất phát từ năng lực thực hiện, mà còn đến từ những khó khăn khách quan.
Trước hết, về mặt chính sách, Luật Đất đai 2024 vừa có hiệu lực nhưng hàng loạt quy định mới chưa có hướng dẫn cụ thể, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Các thủ tục bồi thường, xác định giá đất, thu hồi đất… đều bị chậm trễ do thay đổi quy trình và phân cấp quản lý.
Tiếp theo, việc phân bổ vốn đầu tư công năm 2025 tại một số bộ, ngành vẫn chưa bám sát thực tế. Nhiều nơi xây dựng kế hoạch không phù hợp với năng lực giải ngân, dẫn đến vốn "chờ đợi" không sử dụng...
Ngoài ra, các dự án ODA cũng gặp khó do quy trình điều chỉnh hiệp định vay phức tạp, trải qua nhiều cấp phê duyệt. Một số dự án đã có khối lượng thực hiện nhưng chậm thanh toán do chưa hoàn tất hồ sơ. Không chỉ vậy, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, cùng với nguồn cung hạn chế, cũng làm đội chi phí và gây đình trệ tiến độ.
Các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đang gặp khó khăn lớn về năng lực thực hiện. Hơn nữa, cấp xã, nơi được giao triển khai thường ngại rủi ro, dẫn đến việc giải ngân vẫn "giậm chân tại chỗ".
Triển khai quyết liệt các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2025
Theo ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, vấn đề đầu tư công (ĐTC) và giải ngân nguồn vốn này thường xuyên được Chính phủ thảo luận, phân tích để có các chỉ đạo kịp thời. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc việc giải ngân vốn ĐTC.
Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo việc sửa đổi, thay thế đồng bộ các cơ chế, chính sách có liên quan đến dự án ĐTC với nguyên tắc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đáp ứng kịp thời thực tiễn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, bất cập, vướng mắc. Đây được coi là cải cách lớn và đồng bộ nhằm tháo gỡ các khó khăn mang tính điểm nghẽn đối với việc thực hiện và giải ngân các dự án ĐTC.
Với vai trò là cơ quan quản lý về giải ngân vốn ĐTC, Bộ Tài chính đã tích cực tổng hợp, rà soát, đánh giá để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành kế hoạch ĐTC.
Cụ thể, công khai hàng tháng số liệu giải ngân của từng dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm giao thông, dự án liên vùng, Chương trình Mục tiêu quốc gia gửi tới từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương để nắm bắt và có giải pháp kịp thời đôn đốc việc triển khai dự án và điều hành kế hoạch vốn của các dự án; chủ động thực hiện các giải pháp điều hành, đáp ứng đủ nhu cầu vốn kế hoạch năm theo tiến độ cho các dự án trong phạm vi dự toán đã được Quốc hội giao.
Kho bạc Nhà nước (KBNN - cơ quan kiểm soát và thanh toán vốn) đã đồng bộ triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ), tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet.
Đặc biệt, ngay khi các bộ, ngành, địa phương nhận kế hoạch vốn, Bộ Tài chính đã có ngay văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết vốn kế hoạch ĐTC nguồn NSNN cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện giao vốn theo quy định của pháp luật về ĐTC và các quy định của Chính phủ hiện hành, gửi Bộ Tài chính làm cơ sở để thực hiện kiểm tra việc phân bổ và thanh toán kế hoạch đầu tư vốn NSNN.

Về giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết vốn ĐTC cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/3/2025; tích cực triển khai các nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Với các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng có số vốn đầu tư rất lớn, việc giải ngân nhanh cho các dự án này sẽ đóng góp rất lớn vào tỷ lệ giải ngân ngân chung của cả nước. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương rà soát, đảm bảo phân bổ đủ số vốn tối thiểu cho các dự án cũng như thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra để các dự án này nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn.
Đặc biệt, về lâu dài, để việc giải ngân vốn ĐTC được thuận lợi, Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ xây dựng một nghị định riêng thay thế các nội dung về quản lý, thanh toán, quyết toán niên độ ngân sách đối với dự án sử dụng vốn ĐTC tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện dự thảo đã được Bộ Tài chính hoàn thiện và xin ý kiến góp ý rộng rãi.
Dự thảo Nghị định đã quy định nguyên tắc thanh toán, hồ sơ pháp lý gửi Kho bạc, hồ sơ thanh toán, tạm ứng, biểu mẫu kiểm soát theo hướng gắn với trách nhiệm trực tiếp và toàn diện của chủ đầu tư/ban quản lý dự án, đơn giản hóa thủ tục phải gửi cơ quan KBNN, đẩy mạnh số hóa quy trình kiểm soát, rõ phạm vi kiểm soát thanh toán của cơ quan KBNN.
Đồng thời, dự thảo đã bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý để phù hợp với những điểm mới của Luật Đất đai số 31/2024/QH15; Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15; Luật Xây dựng; Luật Đầu tư công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật trong lĩnh vực tài chính. Xây dựng khuôn khổ pháp lý về hệ thống thông tin trong lĩnh vực tài chính đầu tư công.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã đề xuất hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách tại dự thảo Nghị định như: Quy định chung; quản lý, thanh toán vốn ĐTC; quyết toán vốn ĐTC nguồn ngân sách nhà nước theo năm ngân sách (quyết toán theo niên độ); ứng dụng công nghệ thông tin; kiểm tra; trách nhiệm của các cơ quan liên quan…
Về tổ chức thực hiện, Chính phủ chỉ đạo các địa phương cần lập kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý, kèm theo cơ chế giám sát chặt chẽ. Những dự án giải ngân chậm sẽ bị xem xét cắt giảm vốn để chuyển sang các công trình có khả năng triển khai nhanh hơn.
Trước đó, trong bối cảnh nhiều khó khăn, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2025. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương cần: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong điều hành, phân bổ và giải ngân vốn; chủ động rà soát, xử lý nhanh các vướng mắc, sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và đơn vị thực hiện để đẩy nhanh thi công và thanh toán; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh dàn trải, lãng phí; cụ thể hóa tiến độ bằng báo cáo tháng, quý, làm cơ sở điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn./.