Quốc hội thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng, quyết tâm mở không gian bứt phá
Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng nay (ngày 19/2), Quốc hội đã biểu quyết thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng với quyết tâm mở ra không gian bứt phá quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên và hướng tới tăng trưởng 2 con số.

Theo đó, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết quan trọng gồm: Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên
Với 463/464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 96,86% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Về mục tiêu, chỉ tiêu, Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu tổng quát là củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Năm 2025, tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.
Về điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ đô la Mỹ (USD). GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.
Về giải pháp đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, Nghị quyết nêu rõ yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng "vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển", từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; đề cao phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Theo Nghị quyết, cần triệt để tiết kiệm chi; phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 và nguồn tăng thu ngân sách năm 2024 để đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tận dụng dư địa về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để huy động, bổ sung nguồn lực cho phát triển.
Bổ sung khoảng 84.300.000 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn (đường cao tốc, đường ven biển…) ngay trong năm 2025.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 để thực hiện ngay trong năm 2025.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 cả nước đạt 95% kế hoạch; bổ sung, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm. Trường hợp cần thiết điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP...
"Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, làm nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo", Nghị quyết nhấn mạnh.
Thông qua cơ chế đặc biệt phát triển đường sắt đô thị cho Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Về huy động và bố trí nguồn vốn đầu tư, Nghị quyết quy định, trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án thuộc danh mục dự án dự kiến tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ căn cứ khả năng cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, tối đa không vượt 215.350 tỷ đồng cho TP. Hà Nội và tối đa không vượt 209.500 tỷ đồng cho TP. Hồ Chí Minh trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035 làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án.
Quốc hội cũng cho phép UBND TP. Hồ Chí Minh được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại và các hình thức huy động vốn hợp pháp khác với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp, trường hợp vượt quá 120% thì Quốc hội xem xét, điều chỉnh tăng mức dư nợ vay phù hợp theo nhu cầu thực tế của Thành phố.
Việc phân bổ vốn được sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác; trường hợp sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm thì không phải thực hiện thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước…
Hội đồng nhân dân Thành phố có trách nhiệm cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách địa phương làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án thuộc danh mục dự án dự kiến.
Ủy ban nhân dân Thành phố được quyết định bố trí vốn từ ngân sách Thành phố trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hằng năm trước khi có quyết định đầu tư để triển khai thực hiện một số hoạt động phục vụ cho dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua, tức ngày 19/2 (trừ một số quy định có hiệu lực từ 1/5/2025) cho đến khi hoàn thành việc đầu tư các dự án theo danh mục dự án dự kiến tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.
Đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hơn 203.000 tỷ đồng
Với 455/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,19% tổng số đại biểu, sáng nay, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo Nghị quyết, Dự án nhằm mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, bảo đảm kết nối hiệu quả các mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng.
Về phạm vi đầu tư, điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng); chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km; chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9 km; đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng;
Về quy mô, đầu tư mới toàn tuyến đường đơn, khổ 1.435 mm; vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/h đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, tốc độ thiết kế 120 km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối thành phố Hà Nội, tốc độ thiết kế 80 km/h đối với các đoạn tuyến còn lại.
Hình thức đầu tư là đầu tư công. Về công nghệ, áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.
Dự án thực hiện thu hồi đất theo quy mô quy hoạch (đường đôi đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng và đường đơn đối với các đoạn tuyến còn lại).
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632 ha, gồm: đất trồng lúa khoảng 716 ha (trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 709 ha), đất lâm nghiệp khoảng 878 ha, các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 1.038 ha. Sơ bộ số dân tái định cư khoảng 19.136 người.
Quốc hội quyết định sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 203.231 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác. Tiến độ thực hiện của Dự án là lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất vào năm 2030.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt
Với 459/460 đại biểu tán thành, chiếm 96,03% tổng số đại biểu, sáng nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 5 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần và một số cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện Dự án.
Nghị quyết cho phép Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt như: Triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã ký kết điều ước quốc tế hoặc với các đối tác khác để ký kết điều ước quốc tế về hợp tác xây dựng, cấp tín dụng cho thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.
Nghị quyết cũng quy định thống nhất hình thức lựa chọn nhà thầu cho phép áp dụng là chỉ định thầu rút gọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu như: Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế. Phạm vi công việc của hợp đồng chìa khóa trao tay bao gồm các công việc theo quy định pháp luật xây dựng và các công việc lập hồ sơ phê duyệt địa điểm, mua bảo hiểm cho toàn bộ phạm vi thực hiện của hợp đồng (được phép mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không có chi nhánh được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam), cung cấp nhiên liệu hạt nhân, vận hành, bảo dưỡng nhà máy trong thời gian 5 (năm) năm kể từ ngày dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Về lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu, Quốc hội trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư thực hiện các dự án.
Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, bao gồm: lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tư vấn trợ giúp chủ đầu tư đàm phán, ký kết, quản lý thực hiện hợp đồng "chìa khoá trao tay"; thẩm tra hồ sơ phê duyệt địa điểm, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, các báo cáo chuyên ngành theo quy định pháp luật; tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công. Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn để thẩm định công nghệ, an toàn, an ninh, kiểm tra pháp quy hạt nhân trong các giai đoạn đầu tư xây dựng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trên cơ sở sử dụng hiệu quả các chuyên gia và tổ chức trong nước và quốc tế.
Nghị quyết chỉ quy định chỉ định thầu cho các gói thầu, công việc có tính đặc thù liên quan đến công nghệ, an toàn hạt nhân, gắn liền và phục vụ trực tiếp cho công tác triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chính.
Đối với việc thực hiện triển khai các dự án thành phần và các công việc khác thuộc dự án nhà máy chính mà các đơn vị trong nước có đủ năng lực kinh nghiệm thực hiện, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan sẽ phải tuân thủ các hình thức, quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu theo pháp luật đấu thầu hiện hành.
Về phương án tài chính và thu xếp vốn, Nghị quyết quy định: “Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tăng vốn điều lệ của chủ đầu tư từ nguồn đánh giá lại tài sản đã hết khấu hao của các nhà máy điện BOT đã nhận bàn giao và các nhà máy thủy điện đa mục tiêu để thực hiện Dự án với mức vốn bổ sung tương đương với mức vốn của dự án quan trọng quốc gia”.
Đồng thời, công tác lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường cần tuân thủ đúng và đầy đủ pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường.
Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư các dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm các dự án đúng tiến độ, chất lượng; báo cáo theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền; đồng thời khẩn trương triển khai dự án. Quản lý, sử dụng vốn, các nguồn lực và các hoạt động khác có liên quan bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn phóng xạ, môi trường theo quy định của Nghị quyết này và các quy định khác của pháp luật; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ chương đầu tư dự án;
Bên cạnh đó, Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đàm phán điều ước quốc tế với các đối tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên...
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/2.