Thúc đẩy nền nông nghiệp thông minh từ nông nghiệp chính xác
Chiến lược quản trị nông nghiệp chính xác được đánh giá là một giải pháp đầy tiềm năng, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.
Nằm trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức vào ngày 10/5, các chuyên gia đã chia sẻ những sáng kiến, giải pháp cho ngành nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đức Trường, Tổng giám đốc Công ty Đại Thành, chiến lược nông nghiệp chính xác sẽ trở thành giải pháp hữu hiệu cho ngành nông nghiệp. Đây được hiểu là một hệ thống quản trị sử dụng các thuật toán thông minh và cảm biến để theo dõi tình trạng cây trồng, từ đó giúp người nông dân quản lý được hoa màu, từ đó giúp tiết kiệm được chi phí và nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm.
Một thách thức mà ngành nông nghiệp đang gặp phải khi sử dụng máy móc đó là sự thiếu chính xác. Đơn cử như việc máy cấy không biết đi thẳng hàng, drone không bay được đúng vị trí, máy gặt không tính được năng suất, máy cày không nhận biết được độ nông sâu,... Điều này đã gây ra không ít cản trở trong việc gia tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Hiện nay, Công ty Đại Thành là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng chiến lược nông nghiệp chính xác vào thử nghiệm sản xuất nông nghiệp. Hệ thống vị trí chính xác thời gian thực DTALS do công ty phát triển được đánh giá sẽ mở ra những tiềm năng cho ngành nông nghiệp thông minh phát triển tại Việt Nam
Ông Trường nhận định, trong tương lai nền nông nghiệp toàn cầu sẽ chịu nhiều tác động bao gồm khủng hoảng lương thực, cạn kiệt tài nguyên, thiếu hụt lao động, biến đổi khí hậu hay đứt gãy chuỗi cung ứng,...

Trước tình trạng này, nông nghiệp chính xác trở thành một xu thế tất yếu mà ở đó khoa học công nghệ trở thành công cụ quan trọng để hỗ trợ con người. Chiến lược này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải ứng dụng các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), Big Data (dữ liệu lớn) hay trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích, đánh giá thông tin, từ đó giúp người nông dân đưa ra được giải pháp phù hợp trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, để chiến lược nông nghiệp chính xác được áp dụng rộng rãi trong ngành nông nghiệp Việt Nam thì vẫn còn một hành trình dài phía trước. Các doanh nghiệp, chuyên gia mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để đồng hành cùng ngành nông nghiệp trên con đường chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Thực hiện Nghị quyết số 57, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đề ra 5 nhóm giải pháp then chốt, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ trong ngành. Cụ thể, cần hoàn thiện thể chế để tháo gỡ các rào cản, cải cách tổ chức nghiên cứu theo hướng tinh gọn và tự chủ, thay đổi cách thức đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu và đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện.