Một số điểm sáng chiến lược về chuyển đổi xanh trong nông nghiệp Việt Nam
Trên thế giới, tăng trưởng xanh nói chung, nông nghiệp xanh nói riêng đã dần trở thành xu hướng chủ đạo. Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, nông nghiệp xanh được xác định là chủ trương quan trọng nhằm hướng đến một mô hình nông nghiệp tăng trưởng bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu GDP và đóng vai trò trực tiếp đối với sinh kế của hàng triệu người dân Việt Nam. Với đặc điểm địa lý, khí hậu và truyền thống sản xuất lâu đời, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp theo hướng xanh - hướng đi đang ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững toàn cầu.
Về tổng thể, nông nghiệp xanh mà ngành Nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến không chỉ dừng lại ở mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đó còn là một quá trình chuyển đổi sâu rộng, nhằm duy trì tăng trưởng bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.
Hướng đi này đòi hỏi giảm sự lệ thuộc vào đầu vào hóa chất nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên, thúc đẩy các phương pháp canh tác tiên tiến như: Tưới tiết kiệm nước, mở rộng quy mô sản xuất hữu cơ, ứng dụng các mô hình thực hành nông nghiệp tốt, hài hòa giữa sản xuất và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, nông nghiệp xanh được tích hợp chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới bảo đảm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp văn minh.
Tại phiên thảo luận sáng ngày 17/4 trong khuôn khổ Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), với chủ đề “Bắt nhịp cách mạng xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực cho kỷ nguyên bền vững”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam Đỗ Đức Duy cho biết: Tại Việt Nam, nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số; đóng góp 12% GDP quốc gia (theo số liệu năm 2024).

Từ một quốc gia xuất phát điểm thấp, từng phải đối mặt với đói nghèo và khủng hoảng lương thực, Việt Nam ngày nay đã vươn lên trong nhóm các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đưa các sản phẩm nông sản có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên hạn hẹp, ước tính chỉ có khoảng 10,3 triệu ha đất có thể sử dụng trong nông nghiệp, và nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Để giải quyết những thách thức đó, Việt Nam đã xác định rõ hướng đi: Chuyển đổi sang một nền nông nghiệp xanh, thông minh và bền vững, trong đó, xác định đổi mới sáng tạo, tập trung thực chất vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chuyển đổi số là cốt lõi để tạo ra đột phá cho ngành nông nghiệp – Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định.
Trong khuôn khổ này, hệ thống thể chế về nông nghiệp xanh của Việt Nam cũng đã được xây dựng khá đồng bộ. Chính phủ đã ban hành loạt chiến lược trọng điểm như: Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030, đặc biệt là “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Tất cả như những điểm sáng rõ nét về chuyển đổi xanh trong nông nghiệp hiện nay.
Cụ thể, nằm trong nỗ lực thực hiện tiến trình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu của chiến lược là xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và cạnh tranh cao, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Chiến lược cũng nhấn mạnh phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm và giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020.
Ngoài ra, Đề án "1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" từ khi ban hành đã đạt kết quả bước đầu mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường sau một năm triển khai tại 5 tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ. Các mô hình thí điểm giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% đến 24,2%, tiết kiệm đáng kể giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới, đồng thời tăng năng suất từ 2,4-7,0%. Điều này giúp tăng thu nhập cho nông dân từ 12%-50%, với lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.

Quan trọng hơn, mô hình còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính từ 2-12 tấn CO2/ha và cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa với giá cao hơn 200-300 đồng/kg, tạo động lực cho nông dân tham gia.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định: Tất cả những chiến lược mà Chính phủ đề ra như những điểm sáng rõ nét về chuyển đổi xanh trong nông nghiệp hiện nay, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, có trách nhiệm với thiên nhiên và con người cũng như phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng nhận thức sâu sắc rằng, không một quốc gia nào có thể đơn độc đi đến thành công trong hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực. Đây là một nỗ lực đòi hỏi sự chung tay hành động giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh trật tự thương mại toàn cầu đang có nguy cơ phân mảnh, khi những hàng rào thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên.
Việt Nam tin rằng, chỉ có hợp tác đa phương thực chất, trên nền tảng công bằng và tôn trọng lẫn nhau, mới giúp chúng ta cùng vượt qua những thách thức to lớn của an ninh lương thực, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, phát triển công bằng và bền vững cho mỗi quốc gia và trên quy mô toàn cầu.