Ứng dụng công nghệ cao: Chìa khóa nâng cao thu nhập cho người trồng lúa Việt Nam
Ứng dụng công nghệ cao được xem là chìa khóa để ngành lúa gạo Việt Nam “đổi đời”. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện nếu có sự tham gia mạnh mẽ của lực lượng lao động trẻ, đặc biệt là những người có kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin.

Thị trường lúa gạo trầm lắng sau vụ Đông Xuân
Chia sẻ về thị trường lúa gạo hiện nay, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết, vụ lúa Đông Xuân đã kết thúc, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung. Các doanh nghiệp không còn hàng mới để thu mua, nên chủ yếu bán lúa gạo tồn kho từ trước. Tình trạng này khiến giao dịch trên thị trường bắt đầu chậm lại trong những ngày gần đây.
Nguyên nhân được cho là khách hàng đã tích cực nhập hàng trong tháng 2 và 3 vừa qua, cùng với đó là sự chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, khiến tâm lý mua bán có phần chững lại. Nhiều thương nhân và khách hàng đang có xu hướng chờ đợi: người bán kỳ vọng giá sẽ tăng trong khi người mua lại mong giá sẽ hạ. Tuy nhiên, khả năng giá giảm là không cao do Việt Nam đã bước qua mùa vụ và lượng hàng còn lại không nhiều.
“Giá gạo có thể nhích lên từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5,” ông Thành nhận định và cho biết thêm: “Các thương nhân đã trữ hàng không vội bán, vì lúc thu mua giá cũng chưa cao. Họ chờ đợi thời điểm giá tốt hơn để xuất hàng”.
Một điểm đáng chú ý là gạo vụ Hè Thu – dù sắp đến mùa thu hoạch – lại có chất lượng không cao bằng vụ Đông Xuân. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo trên thị trường quốc tế dự báo sẽ tăng mạnh trong 2 tháng tới. Đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp quyết định giữ hàng, đợi thời điểm thích hợp để bán ra nhằm tối ưu hóa lợi nhuận.
Hiện tại, giá gạo OM18 và DT8 đang giao dịch ở mức 530–540 USD/tấn, giảm nhẹ so với mức 550 USD/tấn vài tuần trước. Gạo 5% tấm, loại gạo phổ biến dùng trong nước và xuất khẩu, cũng ghi nhận giá dao động khoảng 390–400 USD/tấn – cao hơn gạo cùng phẩm cấp từ Thái Lan và Ấn Độ.
Giá gạo giảm, đặc biệt là các loại gạo phổ thông, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng có thu nhập thấp. Họ có cơ hội mua được lương thực thiết yếu với giá hợp lý, giúp giảm chi phí sinh hoạt, qua đó góp phần kìm hãm lạm phát trong nước.
Ở chiều ngược lại, thu nhập của người trồng lúa – đặc biệt là các hộ sản xuất nhỏ – vẫn còn rất thấp so với các ngành nghề khác như thủy sản hay cây ăn trái. Dù giá gạo Đông Xuân năm nay ở mức “chấp nhận được” nhưng theo ông Thành, vẫn chưa đủ để tạo sức hút cho người trẻ tham gia vào nghề nông.
Công nghệ – chìa khóa cho ngành trồng lúa
Để nâng cao thu nhập cho người nông dân và đưa ngành gạo phát triển bền vững, một trong những hướng đi căn cơ và bền vững chính được ông Thành đưa ra là công nghệ hóa ngành trồng lúa, đặc biệt là thu hút giới trẻ có năng lực về công nghệ thông tin vào lĩnh vực này.
“Người trẻ mới có khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Nếu không thu hút được lực lượng này, ngành lúa gạo sẽ rất khó phát triển trong tương lai,” ông Thành nói.
Bên cạnh đó, giá lúa gạo cần tăng thêm từ 10–20% mới có thể cải thiện thu nhập cho nông dân, từ đó khuyến khích giới trẻ quay lại với đồng ruộng. Nhưng để giá tăng bền vững, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất – điều mà chỉ có công nghệ mới có thể đáp ứng.
Việt Nam hiện vẫn sản xuất lúa gạo chủ yếu theo phương pháp truyền thống, sử dụng nhiều lao động thủ công, trong khi công nghệ tự động hóa, cơ giới hóa, số hóa vẫn chưa được triển khai sâu rộng. Để thay đổi điều này, cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước, đặc biệt là các bộ ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
“Chính phủ cần có chính sách rõ ràng, kế hoạch cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân tiếp cận công nghệ. Cần đào tạo nguồn nhân lực trẻ, có tay nghề và đam mê nông nghiệp, đồng thời tạo môi trường để họ phát huy năng lực”, ông Thành nhấn mạnh.