|
Hà Nội --°C / --%
Thứ năm, 24/04/2025 11:53

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với hạn hán

Hạn hán ngày càng lớn, Đắk Nông đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện khí hậu. Nhiều diện tích sau chuyển đổi đã thích nghi tốt, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân ổn định sinh kế bền vững.


Thành công từ cây mắc ca

Cách đây 15 năm, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức) đã chủ động tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu. Mắc ca được chọn là cây trồng chủ lực nhờ phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Đến nay, cây mắc ca không chỉ phát triển mạnh mà còn trở thành “cây làm giàu”, thay đổi cuộc sống của nhiều người dân đã bám trụ trên vùng đất này.

vuon-mac-ca-cua-anh-dieu-pem-o-bon-bu-prang-1-xa-quang-truc-huyen-tuy-duc-trong-tu-nam-2012-dang-chung-minh-chong-han-tot-1745464214.jpg
Vườn mắc ca của anh Điểu Pem ở bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức) trồng từ năm 2012 đang chứng minh chống hạn tốt.

Năm 2012, hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cây trồng của xã Quảng Trực, anh Điểu Pem ở bon Bu P’răng 1 (xã Quảng Trực) đã mạnh dạn trồng xen gần 700 cây mắc ca vào 3 ha cà phê. Anh cho biết không tốn nhiều công chăm sóc, ít cần nước tưới, cây mắc ca vẫn phát triển tốt. Mỗi năm, gia đình anh thu khoảng 4 tấn quả tươi, mang về trên 300 triệu đồng từ giống cây “dễ tính” này.

Ở cùng địa phương cách đó không xa, anh Điểu Dắr trồng xen 1.000 cây mắc ca trong vườn cà phê. Nhờ chăm sóc bài bản, mỗi năm anh thu khoảng 9 tấn mắc ca tươi và 3,5 tấn cà phê/ha. Chi phí đầu tư chỉ khoảng 20 triệu đồng, trong khi lợi nhuận thu về gấp nhiều lần. “Mắc ca dễ sống, ít tốn công tưới, đặc biệt sau hai năm đầu gần như không cần chăm nhiều” - anh Điểu Dắr chia sẻ.

mac-du-dang-mua-nang-gat-nhung-mac-ca-trong-o-xa-quang-truc-huyen-tuy-duc-dang-tro-bong-rat-nhieu-hua-hen-mua-vu-triu-qua-1745464237.jpeg
Mặc dù đang mùa nắng gắt nhưng mắc ca trồng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức đang trổ bông rất nhiều, hứa hẹn mùa vụ trĩu quả.

Với khoảng 1.470 ha, mắc ca đang trở thành cây trồng chủ lực tại xã Quảng Trực (Tuy Đức), mang lại nguồn thu ổn định cho người dân. Nhiều hộ nông dân trong số đó thu nhập đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Đoàn Lê Anh, Bí thư Đảng ủy xã nhận định: "Trước biến đổi khí hậu và hạn hán khắc nghiệt, mắc ca cho thấy rõ ưu thế là cây trồng thích nghi và hiệu quả".

Không chỉ cần ít nước, mắc ca còn được trồng xen hiệu quả với cà phê, hồ tiêu, điều… Từ năm thứ 4, cây bắt đầu che bóng, chắn gió, giúp cây trồng chính vượt hạn. “Ban đầu, mắc ca được hỗ trợ cho hộ dân tộc thiểu số, nay trở thành lựa chọn chủ động của nhiều nông dân nhờ khả năng chịu hạn và hiệu quả kinh tế ổn định”, ông Đoàn Lê Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực cho biết.

Tăng tốc chuyển đổi cây trồng tại địa phương

Trước tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, Đắk Nông xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp sống còn “không thể chần chừ thêm được nữa”. Theo kế hoạch đến năm 2030, tỉnh sẽ chuyển đổi hơn 8.500 ha cà phê, hồ tiêu, cao su, điều kém thích nghi sang các loại cây trồng có tiềm năng, phù hợp hơn với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng từng địa phương.

Từ năm 2022, Đắk Nông triển khai kế hoạch chuyển đổi cây trồng nhằm thích ứng biến đổi khí hậu. Riêng năm 2024, tỉnh đã chuyển đổi hơn 1.615 ha – vượt 65% kế hoạch. Trong đó, hơn 532 ha cà phê kém thích nghi được thay thế bằng mắc ca, hồ tiêu, điều, sầu riêng, cam, quýt… Các địa phương dẫn đầu chuyển đổi gồm Đắk Mil, Đắk R’lấp và Đắk Glong.

nguoi-dan-huyen-cu-jut-ap-dung-trong-xen-va-ung-dung-ky-thuat-san-xuat-ho-tieu-ben-vung-de-phong-han-han-1745464095.jpeg
Người dân huyện Cư Jút áp dụng trồng xen và ứng dụng kỹ thuật sản xuất hồ tiêu bền vững để phòng hạn hán.

Tính đến nay, Đắk Nông đã chuyển đổi khoảng 274ha hồ tiêu kém hiệu quả sang trồng cà phê, sầu riêng, bơ, mít. Hơn 368ha điều không thích nghi được thay thế bằng cà phê, mắc ca, sầu riêng…, tập trung ở Krông Nô, Đắk R’lấp, Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa. Diện tích cao su chuyển đổi cũng vượt 440 ha, chủ yếu ở Tuy Đức, Đắk R’lấp, Đắk Mil và Krông Nô. Các loại cây mới được lựa chọn gồm mắc ca, cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả có giá trị cao.

Ông Ngô Xuân Đông - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông cho biết công tác đào tạo và chuyển giao khoa học kỹ thuật đã giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. “Nhận thức rõ tác động của hạn hán, người dân đã chủ động thay thế các cây trồng kém hiệu quả bằng những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao” - ông Đông chia sẻ.

anh-nguyen-chi-long-san-xuat-chanh-day-nhieu-nam-o-xa-kien-thanh-huyen-dak-rlap-dak-nong-1745464180.jpeg
Anh Nguyễn Chí Long sản xuất chanh dây nhiều năm ở xã Kiến Thành (huyện Đắk R’lấp).

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyến dưới trong việc đẩy mạnh công tác tập huấn và chuyển giao kỹ thuật. Mục tiêu là nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững và sạch nhiều hơn nữa đến các nông hộ trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, Lê Trọng Yên, cho biết tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng hàng năm nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán. Bước đầu là xác định rõ từng cây trồng và vị trí cụ thể dựa trên quy hoạch nông nghiệp để đảm bảo hiệu quả sản xuất. Song song đó, tỉnh cũng ưu tiên nghiên cứu và phát triển giống cây chất lượng cao, năng suất lớn, và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, phục vụ tốt cho công tác chuyển đổi cây trồng.

ngltrn1-1745464146.JPE
Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông đánh giá, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sớm, từ xa giúp Đắk Nông nâng cao hiệu quả chống hạn, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

Đắk Nông đang xây dựng chuỗi liên kết và phát triển vùng nguyên liệu tập trung để nâng cao giá trị sản phẩm, quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng đến xuất khẩu. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích người dân tham gia sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ cao. Kế hoạch chuyển đổi từ 2022-2030 sẽ thực hiện trên 8.557ha cây trồng chủ lực, với mục tiêu chuyển đổi hơn 1.007ha trong năm 2025./.

Kiến Giang  
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với hạn hán
Sản phẩm OCOP “vươn tầm”, tăng độ nhận diện kinh tế nông thôn
Tuân thủ các quy định xuất khẩu để giữ vững thị trường
Việt Nam chuẩn bị 3 kịch bản tăng trưởng nông nghiệp và giải pháp ứng phó với thuế quan Mỹ
Xuất khẩu nông sản tăng tốc trong 'khoảng lặng' thuế quan, tìm giải pháp 'xoay trục' thị trường
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh, kỳ vọng sự bứt phá của sầu riêng
Một số điểm sáng chiến lược về chuyển đổi xanh trong nông nghiệp Việt Nam
Việt Nam ký thêm 4 nghị định thư về xuất khẩu nông sản với Trung Quốc
Quốc hội sẽ xem xét miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
Nông dân Đắk Lắk từng bước chuyển sang canh tác cà phê thông minh
Những nông sản chủ lực giữ phong độ thúc đẩy tăng trưởng nông sản quý I cao kỷ lục trong 4 năm qua
Doanh nghiệp cần quan tâm duy trì đảm bảo vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam tại Philippines
Vượt qua 'trái cây vua' xuất khẩu chuối bứt tốc tăng trưởng trong những tháng đầu năm
Hợp tác xã cần nhanh chóng chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp
Hợp tác mở rộng mô hình canh tác bền vững và thúc đẩy canh tác lúa, sầu riêng, cà phê hiệu quả
Trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường
Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành kế hoạch hành động với 8 nhiệm vụ giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 4%
Giá tăng cao nhưng Đắk Lắk đối diện với thiếu hụt nguồn cung cà phê và hồ tiêu
Doanh nghiệp đảm bảo thu mua tôm nguyên liệu không để đứt gãy chuỗi sản xuất do chính sách thuế mới của Mỹ
Khẳng định vị trí hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới cần tích hợp công nghệ mới và thúc đẩy tăng trưởng xanh
Xem thêm