Agribank An Giang tăng cường cho vay cơ giới hóa nông nghiệp
Xác định được nhu cầu vốn để đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh An Giang (Agribank An Giang) đã tăng cường cho vay vốn để bà con nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư máy móc thiết bị cho sả

Ảnh minh họa
Thực tế những năm qua, cùng với tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã được ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã chú trọng thực hiện, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng lên.
Hiện nay, các khâu trong sản xuất lúa từ chuẩn bị giống, làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, vận chuyển đã áp dụng máy móc, thiết bị, sản phẩm công nghệ (Drone bay phun xịt, máy cấy, máy sạ giống...). Agribank An Giang đã cho vay vốn tín dụng trung hạn để nông dân trong tỉnh cũng đã đầu tư máy cuốn rơm các loại, góp phần giảm thiểu môi trường nhờ tận dụng nguồn phụ phẩm rơm rạ phục trồng nấm, rau màu và chăn nuôi.
Với lĩnh vực sản xuất rau màu, các khâu làm đất nông dân được Agribank An Giang cho vay vốn đầu tư máy cày, máy xới, máy đào, vun luống, máy bơm tưới chủ động. Trên cây ăn trái, Agribank An Giang cũng cho nông dân vay vốn trung hạn với hạn mức cao để đầu tư hệ thống tưới, máy bay phun xịt, máy cắt cỏ.
Về chăn nuôi, người dân cũng được vay vốn tín dụng đầu tư chủ yếu máy băm cây làm thức ăn, máy bơm nước rửa chuồng, máy phun khử trùng, hệ thống xử lý biogas, hệ thống thông gió, làm mát, hệ thống ăn uống tự động…
Ngoài ra, người chăn nuôi còn sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý nền chuồng, giảm nguy cơ dịch bệnh trên đàn. Đối tượng nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh là cá tra, tập trung ở hình thức nuôi ao là chủ yếu. Hiện nay, các cơ sở nuôi cũng được vay vốn Agribank An Giang để trang bị cơ bản đảm bảo phục vụ trong hoạt động sản xuất theo quy mô nuôi, gồm: Bơm nước, bơm điện, máy cung cấp oxy, máy tạo dòng, máy cho ăn tự động, máy và thiết bị quan trắc môi trường để cảnh báo dịch bệnh…
Triển khai Chương trình Chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, các giải pháp chuyển đổi số, khoa học - công nghệ trong nông nghiệp đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh nông nghiệp. Điển hình như, nông dân dần làm quen, tiếp cận tra cứu thông tin tư vấn về canh tác, giá cả thị trường trên Internet.
Các nền tảng, giải pháp hỗ trợ chẩn đoán sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi từng bước được người dân tiếp cận. Mô hình sản xuất lúa không dấu chân (sử dụng máy bay không người lái sạ lúa và phun thuốc bảo vệ thực vật). Điều khiển trang trại gia súc, gia cầm tự động trên điện thoại thông minh. Giám sát, xử lý ao nuôi cá tra bằng cảm biến. Nhà chim yến được quản lý bằng camera, phun sương làm mát điều khiển từ xa. Mô hình trồng nhãn áp dụng khoa học - kỹ thuật tưới tiêu bằng điện thoại thông minh… Qua đó, đã tạo sự chuyển biến rõ nét từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối, đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nhờ dòng vốn tín dụng của Agribank An Giang, nông dân toàn tỉnh đã triển khai mô hình phun thuốc bảo việc thực bằng máy bay không người lái giúp giảm thất thoát 30% lượng thuốc trong phun xịt trên lúa, giảm nhân công lao động, giảm giá thành, tiết kiệm nước, hạn chế ô nhiễm môi trường và đặc biệt hơn, nông dân không tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ảnh hưởng sức khỏe. Bình quân 1ha lúa, nếu nông dân vác bình phun xịt phải mất từ 2 - 3 giờ thì với máy bay không người lái, chỉ mất 8 phút là xong. Máy bay không người lái còn giúp giảm tổn thất sản lượng lúa 150 - 200kg/ha so với phun xịt thuốc thông thường do lúa không bị giẫm đạp..
Nhờ vốn vay ngân hàng mà giờ đây nông dân sản xuất rau màu và cây ăn trái bớt vất vả hơn trước nhờ đưa máy móc vào phục vụ làm đất, tưới nước, bón phân, phun thuốc và từng bước tự động hóa khâu tưới nước cho cây trồng bằng việc lắp đặt các hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động và tưới thấm. Từ đó, phân bón được hòa lẫn vào nước tưới, nên cây hấp thụ tốt, sinh trưởng và phát triển mạnh, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách tưới truyền thống. Mặt khác, trồng sầu riêng bằng công nghệ tưới nhỏ giọt vừa nhẹ công chăm sóc, vừa tiết kiệm khoảng 50% chi phí và nhân công lao động.
Thực tế cho thấy, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất giúp nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, từng bước tạo sự chuyển biến trong sản xuất, tăng năng suất, sản lượng cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hiện nay, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh An Giang đạt 124.910 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là 77.937 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng lĩnh vực cho vay cơ giới hóa nông nghiệp của Agirbank An Giang chiếm 65% tổng dư nợ.