Bỏ room tín dụng, các nhân hàng nhỏ chịu tác động mạnh
Theo các chuyên gia, nếu bỏ room tín dụng thì các ngân hàng nhỏ sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều, bởi nếu không có sự khống chế từ room tín dụng thì các ngân hàng lớn sẽ “đánh” vào nhiều phân khúc hơn, tạo áp lực cạnh tranh lên các ngân hàng vừa và nhỏ.
- • Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Vốn ngân hàng chỉ là giải pháp hỗ trợ thêm, không phải chính sách quyết định trong phát triển nhà ở xã hội
- • Đại hội đồng cổ đông bất thường Vietcombank tháng 3/2025: Bầu bổ sung 1 thành viên, miễn nhiệm 1 thành viên HĐQT
- • Ngân hàng đầu tiên đưa Kiosk y tế thông minh vào nâng cao trải nghiệm khám chữa bệnh cho người dân
Cần có lộ trình bỏ room tín dụng
Tại tọa đàm bàn tròn chính sách: Bỏ 'room tín dụng' sẽ tác động ra sao tới các ngân hàng do Vietnambiz tổ chức vào ngày 11/3, ông Lê Hoài Ân, chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngân hàng, người sáng lập IFSS và đồng sáng lập WiResearch đánh giá, việc sử dụng room tín dụng để điều phối nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã làm khá tốt trong thập niên vừa rồi, tuy nhiên, bao giờ có “trần” thì cũng tạo sự “cồng kềnh”.

NHNN đã bắt đầu đưa tín hiệu về việc bỏ room tín dụng khi thị trường chứng khoán, trái phiếu phát triển hơn.
Theo ông Ân, có thể thấy, thay vì “bỏ hay không bỏ room tín dụng” NHNN sẽ nghĩ nhiều hơn đến câu chuyện khi nào bỏ room tín dụng thì phù hợp nhất và tiến từng bước tới lộ trình bỏ room tín dụng.
Dẫn chứng trên thế giới, ông Lê Hoài Ân cho rằng, hiện gần như không có quốc gia nào hạn chế về room tín dụng và ngay cả các quốc gia trước có áp dụng thì nay hầu như đã bỏ room. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới còn phải điều hành tăng trưởng tín dụng như Việt Nam bởi cũng không có quốc gia nào có những điểm đặc thù.
Hiện nay, NHNN đã bắt đầu đưa tín hiệu về việc bỏ room tín dụng khi thị trường chứng khoán, trái phiếu phát triển hơn. Thị trường chứng khoán của Việt Nam cũng đang tiến tới được nâng hạng và sẽ đóng vai trò tốt hơn trong thị trường vốn.
Trước đây, do năng lực kiểm soát tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng còn hạn chế, khiến việc áp dụng cơ chế room tín dụng trở thành một công cụ quan trọng để kiểm soát rủi ro. Nhưng đến nay, bối cảnh của ngành ngân hàng đã rất khác, phần lớn các ngân hàng đã hoàn tất việc tuân thủ các tiêu chuẩn theo Basel II và Basel III theo chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện để ngành ngân hàng vận hành theo hướng linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó, việc NHNN cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng hoạt động tốt cũng tạo cơ hội tăng trưởng tốt hơn nhiều.
Nhóm ngân hàng nhỏ sẽ phải cạnh tranh “tứ phía”
Theo ông Lê Hoài Ân: Với nhóm ngân hàng quốc doanh, việc bỏ room tín dụng cũng không tác động quá lớn bởi họ tập trung tối ưu hoá hoạt động thay vì đẩy mạnh thị trường. Nếu bỏ room tín dụng, các nhóm ngân hàng tư nhân sẽ chịu tác động nhiều nhất nhưng hoàn toàn khác nhau.

Ông Lê Hoài Ân, chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngân hàng, người sáng lập IFSS và đồng sáng lập WiResearch.
Thứ nhất là, nhóm tập trung vào cho vay doanh nghiệp, họ sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt nhưng vẫn phải giải bài toán về tỷ lệ 30% vốn cho vay trung và dài hạn.
Nếu huy động 1.000 tỷ đồng cũng chỉ cho vay trung và dài hạn được 300 tỷ đồng. Dù muốn tăng trưởng cao nhưng huy động không bù được cho chuyện tăng trưởng thì họ sẽ phải giải bài toán về thay đổi cơ cấu tài sản huy động.
Thứ hai là nhóm chuyên về bán lẻ, dù có bỏ room nhưng với xu hướng dịch chuyển dòng chảy tín dụng từ cá nhân sang doanh nghiệp thì họ cũng không phát triển được nhiều. Muốn đẩy mạnh tín dụng doanh nghiệp thì nhóm ngân hàng này sẽ mất thời gian để xây dựng chứ chưa thể đẩy mạnh được ngay.
Thứ ba, là nhóm các ngân hàng tư nhân nhỏ, khi bỏ room tín dụng họ sẽ gặp phải cạnh tranh ở “tứ phía”.
Theo ông Ân, các ngân hàng nhỏ sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều, bởi trước kia có room thì các ngân hàng lớn phải ưu tiên chọn lựa phân khúc khách hàng để cho vay vì khi sử dụng hết room cũng không được tăng thêm nhưng bây giờ khi không bị hạn chế, các ngân hàng lớn sẽ “đánh” vào nhiều phân khúc hơn, tạo áp lực cạnh tranh lên các ngân hàng vừa và nhỏ.
Theo quan điểm của chuyên gia Nguyễn Tú Anh - Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, việc bỏ room tín dụng sẽ mang lại tác động tích cực đối với nền kinh tế. Bản chất room tín dụng hiện tại là phân chia thị phần tín dụng cho mỗi ngân hàng theo mức nhất định hàng năm, song điều này sẽ triệt tiêu sự cạnh tranh giữa các ngân hàng.
“Nếu room tín dụng được dỡ bỏ, các ngân hàng có năng lực tốt sẽ được phép cạnh tranh tự do, từ đó tạo ra sức ép đối với các ngân hàng kém hiệu quả hơn, buộc họ phải cải thiện hoặc tái cấu trúc, thậm chí sáp nhập để không bị mất thị phần và doanh thu” – Chuyên gia Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.
Vị chuyên già này cũng cho rằng, việc này sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế, với sự cạnh tranh tăng cường, có thể giúp lãi suất không quá cao và người dân dễ dàng tiếp cận tín dụng hơn. Bởi hiện tại, khi room tín dụng bị giới hạn, khách hàng có thể gặp khó khăn trong việc vay vốn vì ngân hàng đã hết chỉ tiêu cho vay, dẫn đến việc phải vay ở các tổ chức khác, làm gián đoạn kế hoạch tài chính của họ.
“Bỏ room tín dụng sẽ giúp các khách hàng tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng hơn, giúp kế hoạch kinh doanh khách hàng nhất quán hơn và giảm thiểu rủi ro” – Chuyên gia Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.
Ở khía cạnh ngân hàng chịu tác động, ông Tú Anh cho rằng: “Tôi đang lo ngại hơn cho các ngân hàng có vốn của nhà nước, bởi vì nhóm này bị hạn chế chế bởi nhiều thứ mà các ngân hàng cổ phần thì không. Hiện nay, việc tăng vốn đối với các ngân hàng có vốn nhà nước là rất khó khăn. Nếu các NHCP được tự do tăng tín dụng, họ sẽ nhanh chóng có khả năng tăng vốn. Khi NHCP tăng vốn nhanh chóng, họ sẽ dễ dàng đáp ứng các chỉ số an toàn và đủ điều kiện để mở rộng thị phần”.
Ông Tú Anh cũng cho rằng: Ở đây cuộc chiến về thị phần có thể các Big4 là những ngân hàng thua thiệt, chứ không phải các ngân hàng cổ phần. Trong môi trường kinh tế thị trường, cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Các ngân hàng nào quản trị tốt, có tầm nhìn và làm tốt sẽ thắng trong cuộc chơi này, như vậy phải chấp nhận cuộc chơi “fair".
Cần thay đổi cơ chế giám sát
Theo các chuyên gia, việc bỏ room tín dụng cần phải kiểm soát một cách chặt chẽ. Theo ông Lê Hoài Ân, khi bỏ room tín dụng NHNN cũng cần thay đổi cơ chế giám sát bằng việc siết lại hàng loạt chỉ số như: Hệ số CAR, tỷ lệ LPR, tỷ lệ SFLR, tỷ lệ NPL. Đặc biệt, NHNN cần giám sát chặt sẽ để tránh xảy ra tình trạng dòng vốn chệch hướng sau khi bỏ room tín dụng.
Ông Ân đưa ra dẫn chứng; Nếu một ngân hàng có tỷ lệ cho vay vào bất động sản hoặc các lĩnh vực rủi ro vượt mức giới hạn an toàn, NHNN cần có biện pháp điều chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.
“Năm nay sẽ là một năm bản lề của ngành ngân hàng để phục vụ phát triển lâu dài của nền kinh tế. Ở thời điểm hiện nay, vẫn nên dùng tín dụng doanh nghiệp để làm trọng tâm nhưng càng về các năm về sau bắt buộc người dân phải tăng được thu nhập” – ông Lê Hoài Ân chia sẻ.
Theo chuyên gia Nguyễn Tú Anh: “Việc bỏ room tín dụng cần phải được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn vĩ mô, vì khi dỡ bỏ hạn chế này, môi trường cạnh tranh giữa các ngân hàng sẽ trở nên gay gắt hơn. Tuy nhiên, điều đó không phải là sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho các ngân hàng lớn (Big4)”.
Các ngân hàng cổ phần có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn ở một số khía cạnh và họ hoàn toàn có khả năng vươn lên nếu không bị giới hạn về room tín dụng.