Một doanh nghiệp dệt may kín đơn hàng quý I
Dệt may Thành Công (TCM) đã kín đơn hàng quý I, đang tiếp nhận đơn hàng cho quý II và bắt đầu nhận đơn cho quý III. Riêng trong tháng 1, doanh thu của TCM tăng 3% và lợi nhuận tăng 13%.

Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh Công ty mẹ tháng 1/2025, với doanh thu 346,3 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 26 tỷ đồng, tăng 13%.
Cơ cấu doanh thu cho thấy sản phẩm may chiếm tỷ trọng lớn nhất (81%), tiếp theo là vải (13%) và sợi (5%).

TCM cho biết đã nhận đủ đơn hàng cho quý I/2025, đang tiếp nhận đơn hàng cho quý II và bắt đầu nhận đơn hàng cho quý III. Theo dự báo, xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2025 dự kiến tăng trưởng 9-10%, đạt khoảng 47-48 tỷ USD. TCM đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu khoảng 19% so với năm 2024 (ước hơn 4.500 tỷ đồng) và tối ưu hóa lợi nhuận.
Trước đó, năm 2024, nhờ nhu cầu hồi phục, TCM ghi nhận lãi ròng 276 tỷ đồng, tăng 109% so với năm trước, tiệm cận mức đỉnh lịch sử năm 2022 (279 tỷ đồng). Doanh thu cả năm đạt hơn 3.810 tỷ đồng, tăng 15%. Biên lãi gộp cải thiện lên mức 16,2%, tăng 1,2 điểm % so với năm 2023.
TCM hiện xuất khẩu hàng dệt may sang 40 nước trên 4 châu lục. Trong tháng 1/2025, châu Á chiếm 80,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với 41,07%. TCM dự kiến xuất khẩu sang Hàn Quốc năm 2025 tăng gần 30% so với năm trước. Tiếp theo là châu Mỹ (14,9%), riêng Mỹ chiếm 10,37%. Châu Âu chiếm 3,9%, trong đó thị trường Anh chiếm 3,35%.
Năm 2025, TCM tập trung vào R&D, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thân thiện với môi trường, tái chế và có giá trị cao. Công ty cũng đầu tư vào thiết kế theo yêu cầu khách hàng và thiết kế nhãn hàng riêng, hướng đến mô hình ODM.
Bên cạnh đó, tận dụng cơ hội dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc do lo ngại về thuế nhập khẩu cao từ Mỹ, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa, đặc biệt đối với mặt hàng vải sợi nhằm tận dụng các ưu đãi thuế quan về nguồn gốc xuất xứ từ các Hiệp định thương mại tự do.
Tại cuộc họp định kỳ tháng 2/2025, Tổng Giám đốc TCM, ông Song Jae Ho nhấn mạnh những thách thức của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế biến động, đặc biệt là nguy cơ áp thuế cao đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ. Giải pháp được ông đưa ra là tăng trưởng doanh thu, đẩy mạnh R&D và tăng tốc độ trong mọi hoạt động.
Trong đó, CEO TCM cho biết, một trong những yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp nếu muốn đi nhanh hơn và xa hơn là cải thiện và gia tăng tốc độ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.