|
Hà Nội --°C / --%
Thứ hai, 10/03/2025 11:22

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khởi sắc

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ghi nhận nhiều kết quả và tín hiệu khởi sắc.

Tổng kim ngạch đạt 1,423 tỷ USD, tăng trưởng 18,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, tháng 2/2025 đạt 655,197 triệu USD, tăng trưởng ấn tượng 42,6%.

Trong đó, xuất khẩu tôm đóng vai trò chủ lực, có đóng góp 542,387 triệu USD, tăng trưởng 30,8%. Kim ngạch xuất khẩu tôm trong 2 tháng đầu năm đạt 231,406 triệu USD, tăng 33,9%.

Sự phục hồi này cho thấy ngành tôm đang lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn giá thấp kéo dài trong năm 2023-2024. Dù nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ giảm trong năm 2024, các thị trường khác như EU và một số khu vực mới nổi đã bù đắp khoảng trống, giúp sản xuất tôm toàn cầu duy trì ổn định trong khi giá cả cải thiện. Đây là dấu hiệu của sự cân bằng lành mạnh hơn giữa cung và cầu.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khởi sắc - 1

Trong đó, xuất khẩu tôm đóng vai trò chủ lực, có đóng góp 542,387 triệu USD, tăng trưởng 30,8%. Ảnh: VASEP

Theo VASEP, triển vọng năm 2025 cho ngành tôm khá lạc quan, miễn là các yếu tố bất ổn như chiến tranh thương mại dưới thời chính quyền Trump không gây thêm gián đoạn. Giá nhập khẩu trung bình tăng từ tháng 10/2024 và dự kiến duy trì ở mức cao trong suốt năm 2025 nhờ tồn kho ổn định, mang lại niềm tin cho cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu.Đối với cá tra, giá thương phẩm mặt hàng này hiện ở mức cao nhất trong 3 năm qua (dao động từ 32.000 - 33.000 đồng/kg đối với trên 1kg/con). Với mức giá này, người nuôi sẽ có lợi nhuận khoảng từ 2.000 - 3.500 đồng/kg.

Trong 2 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 253,241 triệu USD, giảm nhẹ (0,8%) so với cùng kỳ. Riêng tháng 2/2025, đạt 120,057 triệu USD, tăng trưởng mạnh 32,8%. Cuối năm 2024, các doanh nghiệp đã có nhiều đơn hàng ổn định đến ít nhất tháng 6 năm nay.

Tuy nhiên, thị trường cá tra đối mặt với không ít thách thức. Giá nguyên liệu tăng do chi phí đầu vào (thức ăn, nhân công) leo thang và sự bất ổn từ chính sách thuế quan của Mỹ, với mức thuế bổ sung 10% áp lên thủy sản chế biến từ Trung Quốc, gián tiếp ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại toàn cầu. Nhu cầu tại Mỹ vẫn ảm đạm, trong khi tồn kho lớn có thể kìm hãm đà tăng giá. Người nuôi cá tra cần thận trọng tránh mở rộng sản xuất tự phát, bởi giá cả hiện tại có thể mang tính "ảo" và dễ lao dốc nếu cung vượt cầu. Việc liên kết với doanh nghiệp, áp dụng công nghệ nuôi hiện đại và tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng sẽ là chìa khóa để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu cá ngừ lại có xu hướng giảm, đạt 126,481 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, giảm nhẹ 3,5%, với tháng 2.2025 đạt 59,986 triệu USD, tăng trưởng 15,9%. Thị trường Nhật Bản - một trong những điểm đến chính của cá ngừ Việt Nam - cho thấy sự ổn định về giá, dù ở mức thấp. Giá cá ngừ mắt to đông lạnh tại chợ Toyosu (Tokyo) duy trì quanh mức 650 yên/kg từ tuần thứ 4 của năm 2025, thấp hơn 100 yên/kg so với năm trước, do nguồn cung thắt chặt từ Ấn Độ Dương và Đông Thái Bình Dương. Trong khi đó, cá ngừ vây xanh cao cấp vẫn khan hiếm, đẩy giá đấu giá cá chất lượng cao tại Oma (Aomori) vượt mức 10.000 yên/kg vào ngày 20/2.

Ngành xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn từ các thị trường nhập khẩu chủ lực như EU và Mỹ. Quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU) tiếp tục là rào cản lớn đối với thủy sản khai thác, bao gồm cá ngừ, trong đó, quy định kích thước tối thiểu cá ngừ vằn 0,5m tại Nghị định 37/2024 đang khiến cho ngư dân và doanh nghiệp không giải quyết được bài toán nguyên liệu.

Tương tự, Mỹ áp dụng Đạo luật Bảo vệ động vật có vú ở biển (MMPA), yêu cầu các quốc gia xuất khẩu hải sản phải chứng minh quy trình đánh bắt không gây hại đến động vật biển và chứng minh được những quy định quản lý tương đồng với Mỹ. Phía Mỹ vừa có thông báo không công nhận Việt Nam có những quy định quản lý tương đương, do vậy, nếu Việt Nam không có động thái kịp thời sẽ có nguy cơ bị cấm nhập khẩu nhiều loài hải sản từ ngày 1.1.2026.

VASEP cho rằng để vượt qua khó khăn này, cần sự đồng hành quyết liệt từ các cơ quan thẩm quyền và nhà quản lý ngành trong việc hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực giám sát và hỗ trợ ngư dân tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.

Còn các nhóm sản phẩm như cá các loại khác (302,783 triệu USD, tăng 13,6%), mực và bạch tuộc (101,009 triệu USD, tăng 13,8%), nhuyễn thể có vỏ (39,089 triệu USD, tăng 121,6%) và cua ghẹ (62,762 triệu USD, tăng 86,1%) đều cho thấy tiềm năng lớn. Đặc biệt, nhuyễn thể có vỏ và cua ghẹ ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, nhờ nhu cầu tăng mạnh từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, tương tự cá ngừ, các sản phẩm khai thác như mực, bạch tuộc và cua ghẹ cũng chịu áp lực từ quy định khai thác IUU và MMPA.

"EU và Mỹ ngày càng siết chặt kiểm soát nguồn gốc, đòi hỏi truy xuất nguồn gốc đầy đủ và chặt chẽ. Nếu không đáp ứng, các mặt hàng này có nguy cơ bị từ chối nhập khẩu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kim ngạch xuất khẩu. Sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và ngư dân trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững là yếu tố sống còn để giữ vững thị trường và thúc đẩy tăng trưởng", đại diện VASEP nhận định.

Bảo Phương  
Xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới
Giảm 30% chi phí, thời gian làm thủ tục: Hai điều doanh nghiệp cần nhất
Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen: Ngành tôn thép xu thế chung là đi xuống
Phát triển nông sản song phương Việt - Mỹ: Nhiều tín hiệu khả quan
Lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ và căng thẳng thương mại leo thang, kim loại quý hút dòng tiền
'Ông lớn' thiết bị y tế Hàn Quốc đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác
Phú Mỹ đồng hành cùng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2025
Việt Nam-Hoa Kỳ: Nhiều thỏa thuận thương mại được ký kết trị giá lên tới 90,3 tỷ USD
EU không áp thuế chống bán phá giá tạm thời với thép cán nóng Hòa Phát
Nâng tầm cà phê Việt để hướng tới doanh thu 20 tỷ USD
Nguồn cung dư thừa, giá dầu giảm mạnh
Doanh nghiệp “hiến kế” để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng 2 con số
Singapore – Việt Nam hợp tác quản lý thị trường vốn và tài sản số
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính kiểm tra, đôn đốc tiến độ dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM
Rà soát, đánh giá nội dung báo chí phản ánh doanh nghiệp FDI báo lỗ ngày càng tăng
Hòa Phát nộp ngân sách hơn 13.400 tỷ đồng năm 2024
Nền tảng vững chắc cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản
Đổi mới sáng tạo xanh: Nâng cao thu nhập từ chuỗi giá trị lúa gạo và xoài ở ĐBSCL
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khởi sắc
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề xuất áp giá sàn xuất khẩu 500 USD/tấn
Xem thêm