Ngân hàng Khu vực 15: Đẩy mạnh tín dụng xuất khẩu hỗ trợ doanh nghiệp
Để tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua thách thức, ngành Ngân hàng Khu vực 15 đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xuất khẩu hỗ trợ doanh nghiệp chủ động hơn, bền vững hơn và thích ứng nhanh với các chuẩn mực quốc tế.

Ông Trần Văn Phước, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15 chia sẻ, để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với bối cảnh thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ, đơn vị đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu một cách hiệu quả.
Số liệu thống kê cho thấy, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng thuộc Khu vực 15 (gồm các tỉnh: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau) đến cuối tháng 4/2025 ước đạt 465.400 tỷ đồng, tăng 0,41% so tháng trước và tăng 3,14% so cuối năm 2024. Trong đó, tín dụng tăng tập trung đối với khu vực sản xuất kinh doanh tăng 2,56% so cuối năm 2024, chiếm 84,7% tổng dư nợ, ước đạt 349.300 tỷ đồng. Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu dư nợ đạt 20.804 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn khu vực.
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, thời gian tới ngành Ngân hàng Khu vực 15 tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng: Cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm khả thi phục vụ phát triển kinh tế của khu vực và các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, thủy sản...). Thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm,... đi đôi với tuân thủ các quy định pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động, hạn chế nợ xấu phát sinh. Đồng thời, chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15 cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất, phí.... Tiếp tục triển khai các biện pháp để ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi; tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay.
Ông Trần Văn Phước, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15 phân tích, nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu một cách hiệu quả, cần tiếp tục tái cấu trúc chiến lược thị trường và phát triển sản phẩm theo hướng chuyên sâu.
Một là, giảm dần sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, chủ động thâm nhập những khu vực mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ là nơi nước ta đã có lợi thế về chính trị và đang tiến hành nhiều hiệp định thương mại.
Hai là, thay đổi tư duy xúc tiến thương mại từ “tìm thị trường cho sản phẩm” sang “phát triển sản phẩm theo yêu cầu thị trường”. Tức là không chỉ đẩy mạnh sản lượng, mà phải nâng cao chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững.
Ba là, chú trọng đầu tư vào logistics và hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu. Cần hình thành các trung tâm logistics vùng, nhất là đối với nông sản, để giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.
Bốn là, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tuân thủ quy định quốc tế. Đây là yếu tố then chốt để hàng Việt có thể vươn xa, nhất là trong bối cảnh các rào cản phi thuế quan như tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) ngày càng phổ biến.
Năm là, việc xây dựng hệ thống thông tin thị trường đồng bộ, cập nhật, có khả năng cảnh báo sớm các biến động địa chính trị, xu hướng tiêu dùng, rào cản kỹ thuật... là cực kỳ cần thiết. Đây sẽ là công cụ giúp cơ quan quản lý hoạch định chính sách linh hoạt và doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh chiến lược xuất khẩu.
Xuất nhập khẩu không chỉ là động lực tăng trưởng, mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược hội nhập và nâng tầm kinh tế nước ta. Muốn phát triển bền vững, không thể chỉ trông chờ vào lợi thế giá rẻ hay ưu đãi thuế quan, mà phải đầu tư chiều sâu vào chất lượng, thương hiệu và sự thích ứng toàn diện với các xu hướng toàn cầu mới.