Tuân thủ các quy định xuất khẩu để giữ vững thị trường
Trong thời gian gần đây, việc các hàng rào thuế quan và phi thuế quan thay đổi liên tục nên đòi hỏi các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu cập nhật thông tin liên tục để hạn chế những khó khăn, rủi ro trong sản xuất và xuất khẩu.

Việc Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEF),…cơ bản đã tạo ra sân chơi công bằng và rộng lớn hơn với các đối tác lớn từ Đông Bắc Á đến các nước châu Âu.
Các hiệp định thương mại tự do dỡ bỏ hàng rào thuế, đặc biệt nhiều thị trường đã cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với nông sản tươi và qua chế biến, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam; đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất-chế biến nông sản, thực phẩm.
Tuy nhiên, các thị trường cũng thường xuyên thay đổi quy định về kiểm dịch động thực vật nhằm bảo vệ sức khỏe con người, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh trên động, thực vật. Đây là thách thức mà người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu phải vượt qua để duy trì và phát triển thị trường.
Chia sẻ về vấn đề này tại Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia 2025: Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững mới đây, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết hiện thách thức tuân thủ các Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật (SPS) khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm đặt ra chặt chẽ và bắt buộc các đơn vị xuất khẩu, trong đó có hợp tác xã phải tuân thủ. Trong khi mỗi quốc gia/khu vực có quy định riêng về biện pháp về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các thành viên WTO thường xuyên hay đổi các biện pháp về an toàn thực phẩm và dịch bệnh động - thực vật (biện pháp SPS).
Theo TS Ngô Xuân Nam, xu thế các quốc gia/vùng lãnh thổ gia tăng các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) đối với nông sản thực phẩm và thủy sản nhập khẩu. Và xu thế sử dụng các sản phẩm an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản phẩm khai thác hợp lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm giảm phát thải, sản phẩm dựa trên giá trị, sản phẩm xanh... ngày càng gia tăng.

Do đó, để đáp ứng đầy đủ quy định về SPS của thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp đặc biệt là các hợp tác xã cần phải nắm rõ và đáp ứng đầy đủ các quy định tồn dư thuốc Bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất cấm và chất gây ô nhiễm trong thực phẩm; Quy định về kiểm dịch thực vật và động vật; Nhãn mác hàng hóa và vật liệu đóng gói; Yêu cầu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Đồng thời, các hợp tác xã cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đảm bảo các yêu cầu về vùng trồng, yêu cầu về cơ sở đóng gói-chế biến. Ngoài ra, cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan quản lý để cập nhật kịp thời các quy định, những thay đổi về quy định xuất khẩu của các thị trường.
Với nhóm sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, cần tăng cường đào tạo, hướng dẫn nâng cao năng lực cho nông dân, hợp tác xã.
Đối với hợp tác xã, theo TS Ngô Xuân Nam cần đẩy mạnh canh tác theo quy trình giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; Tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc thuốc bảo vệ thực vật cũng như liều lượng, thời gian cách ly và kiểm soát mức tồn dư, các hoạt chất cấm theo quy định của thị trường nhập khẩu.
Để xây dựng và giám sát chặt chẽ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cần hỗ trợ nông dân, hợp tác xã đăng ký, duy trì mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đúng chuẩn xuất khẩu.
Đồng thời, hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc điện tử (QR code) để tăng cường tính minh bạch và đáp ứng yêu cầu của thị trường; Hỗ trợ HTX áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, Globla GAP... trong trồng trọt.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp –hợp tác xã – nông dân, hỗ trợ canh tác theo đơn hàng và tiêu chuẩn thị trường. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư kỹ thuật – nông dân, thành viên hợp tác xã đảm bảo chất lượng, từ đó lợi ích phân bổ hài hòa.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, việc các hàng rào thuế quan và phi thuế quan thay đổi liên tục nên đòi hỏi các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu cập nhật thông tin liên tục để hạn chế những khó khăn, rủi ro trong sản xuất và xuất khẩu. - TS Ngô Xuân Nam nhấn mạnh./.