Xuất khẩu nông sản tăng tốc trong 'khoảng lặng' thuế quan, tìm giải pháp 'xoay trục' thị trường
Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế 90 ngày là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu ngắn hạn, tìm kiếm thị trường mới hoặc đàm phán giảm thuế. Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động "xoay trục" mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Á và Trung Đông nhằm tránh phụ thuộc vào thị trường Mỹ, vốn ngày càng nhạy cảm về giá và thuế.

Doanh nghiệp gấp rút tìm cách thích nghi và ứng phó để ổn định sản xuất
Trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực gấp rút tìm cách thích nghi và ứng phó để ổn định sản xuất. Việc Mỹ tạm hoãn áp mức thuế đối ứng cao, thay vào đó áp mức 10% trong vòng 90 ngày tới là khoảng lặng nhất thời của căng thẳng thương mại, đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng chiến lược ứng phó dài hạn. Với các DN xuất khẩu, 90 ngày này có thể là thời gian vàng để tìm kiếm giải pháp, tránh bị đánh bật khỏi thị trường quan trọng này.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Mỹ là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ hai của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng với tốc độ tăng trưởng và ổn định giá cả.
Quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,1 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ, trong đó riêng thị trường Mỹ đạt 110 triệu USD, nhưng Việt Nam lại nhập siêu 50 triệu USD.
Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế 90 ngày là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu ngắn hạn, tìm kiếm thị trường mới hoặc đàm phán giảm thuế. Trong tình huống không mong đợi, tất nhiên một số mặt hàng rau quả Việt Nam sẽ khó xuất sang Mỹ. Hiện doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng xoay trục sang các thị trường khác, như: Trung Quốc, châu Âu.
Riêng một số sản phẩm như xoài, bưởi, chanh dây vẫn có thể tiếp tục vào Mỹ do có lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực cũng đang chịu mức thuế cao. Theo ông Nguyên, ngành rau quả Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội thích ứng và phát triển nhờ sự linh hoạt và tiềm năng từ các thị trường thay thế.

Còn với ngành hàng hồ tiêu gia vị, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết: trong quý I/2025, Việt Nam xuất khẩu trên 47.600 tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch trên 326 triệu USD, dù sản lượng giảm hơn 16% nhưng giá trị tăng mạnh gần 39% so với cùng kỳ.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hồ tiêu gia vị lớn nhất, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch và nhập tới 77% lượng hồ tiêu từ Việt Nam. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu đang đối mặt thách thức lớn khi Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 10%. Điều này khiến một số nhà mua hàng Mỹ tạm dừng giao dịch, làm tăng áp lực cạnh tranh với hồ tiêu Brazil, Indonesia, những nước có mức thuế thấp hơn.
Bà Liên cho rằng, cần tranh thủ tối đa 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng 46% để đẩy mạnh giao hàng. Đồng thời, doanh nghiệp phải chủ động mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Á và Trung Đông nhằm tránh phụ thuộc vào thị trường Mỹ, vốn ngày càng nhạy cảm về giá và thuế.
Các hiệp hội nhận định, nông sản Việt vẫn có lợi thế xuất khẩu, nhất là trái cây. Doanh nghiệp chủ động đàm phán, chia sẻ chi phí, liên kết giảm giá thành và sẵn sàng giảm giá bán để giữ thị trường khi thuế Mỹ tăng.
Cần có chiến lược linh hoạt và chủ động tìm kiếm cơ hội từ các thị trường lớn
Thống kê từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI chi nhánh ĐBSCL) mới đây cho thấy, tính riêng tại vùng ĐBSCL có đến 84% doanh nghiệp bày tỏ lo ngại chính sách thuế mới của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch kinh doanh năm 2025.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho rằng, thách thức lớn hơn nằm ở các hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là yêu cầu về chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Với đặc thù vùng ĐBSCL chủ yếu xuất khẩu nông, thủy sản, những ngành đòi hỏi chuỗi liên kết chặt chẽ từ vùng nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu. Bài toán chất lượng cần có sự phối hợp của nhiều tác nhân trong chuỗi giá trị.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao tăng trưởng GDP lĩnh vực nông nghiệp là 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thuỷ sản đạt từ 64 - 65 tỷ USD. Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Cùng với duy trì thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục triển khai chủ động, hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, với các nước. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật đối với những thị trường lớn, trong đó có Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu:
“Phải “đi tắt đón đầu” như tinh thần Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cần phải có quy trình công nghệ chế biến, gắn với thiết bị chặt chẽ và phải tìm kiếm ở các thị trường đầu tư tới tầm, ngang ngửa với các nước trong khu vực và quốc tế. Vùng nguyên liệu của Việt Nam phải được thiết lập trên cơ sở minh bạch hóa và chuyển đổi số, xác định được mã vùng trồng, mã khu vực chế biến và chế biến sâu đó chính là con đường nâng cao giá trị gia tăng nông sản”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ ngành liên quan tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ để đàm phán điều chỉnh lại mức thuế sao cho có lợi cho nông sản Việt Nam. Một trong những hướng đi quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ.
Với những thay đổi về thuế nhập khẩu của Mỹ, các ngành hàng nông lâm, thuỷ sản Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt và chủ động để giảm thiểu tác động, đồng thời tìm kiếm cơ hội từ các thị trường khác để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nông lâm, thủy sản trong năm 2025.
“Với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải hết sức mềm dẻo để làm sao vận dụng một cách hiệu quả nhất về sản lượng giá trị nông sản Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Mỹ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng ta cũng sẽ chủ động cùng với Mỹ có kịch bản để xử lý một cách hài hòa hóa thương mại hai chiều”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định./.