Xem xét các chính sách ưu đãi logistic cảng biển hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Cục Hàng hải đề nghị Bộ có ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét chính sách ưu đãi về sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực đối với các hàng hóa đi Hoa Kỳ để giúp doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hiện nay, hệ thống cảng biển Việt Nam có 2 khu vực cảng biển cửa ngõ, nước sâu đón tàu trực tiếp từ Việt Nam đi Mỹ là Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng số 31 chuyến/tuần.
Ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Hàng hải và Đường thủy Việt Nam cho biết, Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp cảng theo dõi, có kế hoạch ứng phó với nguy cơ lượng hàng container bị dồn ứ, tồn đọng tại cảng trước tác động của chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đồng thời đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
"Cục Hàng hải đề nghị Bộ có ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét chính sách ưu đãi về sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực đối với các hàng hóa đi Hoa Kỳ để giúp doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua giai đoạn khó khăn. Cục đã có công văn gửi các cảng, đặc biệt khu vực Lạch Huyện và Cái Mép để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu được ùn tắc tại cảng biển, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thuận lợi hơn", ông Lê Đỗ Mười nói.
Cụ thể, tại khu vực Cái Mép - Thị Vải hiện có 5 bến cảng đang khai thác 24 tuyến vận tải đi thẳng đến thị trường Mỹ, gồm cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép (TCIT) có 8 tuyến, Tân Cảng Cái Mép Thị Vải (TCTT) có 4 tuyến; cảng Cái Mép Gemalink có 7 tuyến; cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) có 3 tuyến; cảng quốc tế Cảng Sài Gòn-SSA có 2 tuyến. Khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu đi Mỹ chiếm khoảng 50-55% tổng khối lượng hàng hoá container thông qua khu vực cảng Cái Mép.

Theo con số thống kê, năm 2024, hàng container thông qua tại khu vực bến Lạch Huyện đạt 1,6 triệu TEUs, tăng 26% so với cùng kỳ, bằng gần 22% khối lượng hàng hoá container thông qua tại khu vực cảng biển Hải Phòng, trong đó, hàng hoá đi Mỹ đạt khoảng 900 nghìn TEUs. Tính riêng trong quý I vừa qua, sản lượng hàng container thông qua Lạch Huyện đã đạt hơn 400.000 TEUs, tăng 3% so với năm 2024, trong đó hàng hoá đi Mỹ đạt khoảng 222.000 TEUs.
Theo ông Trần Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), đồng Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng, với xu thế vận tải biển thế giới thời gian qua và dự báo trong thời gian tới, các công ty vận tải biển sẽ tiếp tục đầu tư, khai thác các tàu hàng có tải trọng ngày một lớn hơn nhằm mục đích cắt giảm chi phí trên mỗi tấn hàng hoặc container.
Để đáp ứng nhu cầu này, các nhà khai thác cảng cũng phải nâng cấp năng lực của cảng bao gồm cả đầu tư mới hệ thống cảng nước sâu và các thiết bị xếp dỡ hiện đại. Để thúc đẩy các doanh nghiệp vận tải biển đưa tàu lớn vào Việt Nam chạy thẳng đi các thị trường Âu, Mỹ, Ấn độ, Châu Phi, tiết giảm chi phí vận tải/ logistics, thúc đẩy XNK thì chúng ta cũng cần theo xu thế. Việc khai thác thành công các cảng nước sâu tại Cái Mép Thị Vải cũng như 2 bến thử nghiệm tại Lạch Huyện đã khẳng định sự thành công của chủ trương này.
Tại Hải Phòng, với vai trò là cửa ngõ kết nối giao thương của cả khu vực miền Bắc với thế giới, với tốc độ thu hút đầu tư trong nước và quốc tế tăng mạnh mẽ, Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn và khu vực cửa sông Văn Úc đã được quy hoạch trở thành cảng biển nước sâu, trung tâm chuyển tải hàng hoá. Với khoảng 10 cầu bến đến 2030 và thêm khoảng 5 bến cho giai đoạn sau đó của Lạch Huyện và 10-20 cầu bên khu vực Nam Đồ Sơn, Sông Văn Úc với khả năng tiếp nhận tàu cỡ lớn nhất hiện nay. Đây thực sự là cơ hội lớn cho kinh tế cảng biển.
Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển dựa trên ba trụ cột chiến lược: cảng biển, công nghiệp, và du lịch thương mại. Trong đó, cảng biển được đặt lên hàng đầu, với mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành một thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại, thông minh, và bền vững.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng cũng định hướng phát triển mạnh hệ thống cảng biển, đặc biệt là khu bến Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn và Văn Úc. Các khu bến này được xác định sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình Hải Phòng thành một trung tâm kinh tế biển trọng điểm và đô thị cửa ngõ của khu vực Bắc Bộ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam nhận định: Với năng lực vượt trội của hệ thống cảng khu vực Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn và sông Văn Úc, với lượng hàng hoá ngày càng gia tăng mạnh mẽ, nằm trong nhóm phát triển nhanh toàn cầu thì các nhà vận tải biển luôn mong muốn đưa tàu lớn vào chạy trực tiếp từ Hải Phòng đi các thị trường lớn. Việc thu hút được đa dạng các tuyến, số lượng các tuyến vận chuyển trực tiếp từ Hải Phòng sẽ giúp hàng hoá của cả miền Bắc Việt Nam có cơ hội được vận chuyển nhanh, chi phí cạnh tranh hơn./.