Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Nỗ lực cao nhất để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng
Bộ trường Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, các cơ quan quản lý nhà nước đã rất chủ động và nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn của thị trường giúp nâng cao khả năng huy động vốn cho các doanh nghiệp, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc nhằm tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Sáng ngày 21/2, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức Hội nghị chuyên đề và định hướng phát triển thị trường chứng khoán trong xu hướng hội nhập. Hội nghị được tổ chức trong thời gian diễn ra chuỗi sự kiện thuộc chương trình Hội nghị tiểu ban khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APRC) thuộc Tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) năm 2025 tại Quảng Nam, Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng dự, chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu đánh giá tình hình thị trường chứng khoán của Việt Nam và đề ra những định hướng chiến lược và trọng tâm phát triển thị trường trong năm 2025, đồng thời tạo không gian để chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học trong quản lý, vận hành thị trường chứng khoán (TTCK) và cùng thảo luận những chủ đề mang tính toàn cầu hiện nay, như các thách thức trong quản lý tài sản số và tài chính bền vững và thực hành ESG.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dù chịu nhiều tác động từ tình hình chung của toàn cầu, song thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua duy trì ổn định, an toàn, thông suốt, thanh khoản tốt và tính minh bạch, bền vững được tăng cường.
Cùng với đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác quản lý nhà nước đối với TTCK được Bộ Tài chính, UBCKNN đặc biệt chú trọng. Không chỉ làm tốt về công tác quản lý, điều hành, giám sát, năm qua, hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, điển hình là Luật Chứng khoán sửa đổi đã được ban hành. Các văn bản hướng dẫn luật đang được đẩy nhanh hoàn thiện để tiếp tục “tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp” và các quy định tiệm cận các thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, các cơ quan quản lý nhà nước đã rất chủ động và nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn của thị trường giúp nâng cao khả năng huy động vốn cho các doanh nghiệp, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc nhằm tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Nỗ lực cao nhất để hoàn thiện các tiêu chí nhằm đưa TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Việt Nam, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, tạo tiền đề cho kế hoạch phát triển cho 5 năm tiếp theo của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm (2021 - 2030), đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã đặt quyết tâm tăng trưởng GDP năm 2025 là tối thiểu từ 8% trở lên, tạo nền tảng cho tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 – 2030.
Theo đó, để đạt được mục tiêu chung của nền kinh tế, thì nhiệm vụ của ngành chứng khoán, UBCKNN và TTCK Việt Nam là rất lớn.
Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu rất quan trọng là phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển.
Năm 2025 là năm vừa phải phát triển nhanh, thiết lập nền tảng cho giai đoạn 2026 – 2030, nhưng vẫn phải đảm bảo tăng trưởng bền vững. Để vượt qua những thách thức rất lớn, Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian tới, đòi hỏi không chỉ sự quyết liệt và hiệu quả trong chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN mà còn cần có sự hợp tác, hỗ trợ từ các cơ quan đối tác trong khu vực và quốc tế, các tổ chức quốc tế và sự đồng lòng chung sức của các thành viên thị trường để huy động được nguồn vốn cho phát triển kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, bà Julia Leung - Chủ tịch APRC, Tổng Giám đốc điều hành SFC cho biết nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 4% vào năm 2025, trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
“Việt Nam đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng này, với nền kinh tế dự báo đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm nay, nằm trong nhóm các nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế trong các thị trường tài chính toàn cầu thông qua việc tăng cường kết nối với dòng vốn quốc tế nhờ hội nhập kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.” Bà Julia nhấn mạnh.
Theo bà Julia, thị trường vốn khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức phức tạp của tình hình kinh tế chính trị toàn cầu với mức lãi suất cao kéo dài sau một thập kỷ gần như bằng không ở Mỹ và châu Âu, xung đột thương mại, thuế quan và căng thẳng địa chính trị đang làm gián đoạn tạm thời chuỗi cung ứng, tác động của công nghệ.
Do đó, bà Julia cho rằng các thị trường châu Á phải hợp tác chặt chẽ và có ý nghĩa hơn để giải quyết những thách thức chung của khu vực. Tại châu Á – Thái Bình Dương, APRC là nền tảng hiệu quả để các cơ quan quản lý chứng khoán hợp tác và trao đổi quan điểm về những vấn đề chung. Trong đó, Biên bản ghi nhớ đa phương về hợp tác giám sát (SMMoU) này đánh dấu sự hợp tác giám sát đa phương đầu tiên trên thế giới giữa các cơ quan quản lý thị trường vốn trong việc tăng cường hợp tác khu vực trong bối cảnh thị trường vốn ngày càng kết nối với nhau. Theo đó, bà Julia chúc mừng UBCKNN Việt Nam đã trở thành bên ký kết mới nhất của SMMoU.

Tại hội nghị, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN trình bày về tổng quan tình hình TTCK Việt Nam, mục tiêu và giải pháp phát triển trong năm 2025. Tiếp đó, hai phiên thảo luận diễn ra, tập trung vào các chủ đề: (i) Những thách thức về quy định quản lý tài sản số và (ii) Công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững và sự đồng nhất trong khu vực về các yêu cầu công bố thông tin.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thì những thách thức đặt ra về công tác quản lý, giám sát thị trường, việc xây dựng khung khổ pháp lý cho quản lý tài sản số, công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững… là những chủ đề thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cũng như các chuyên gia, thành viên thị trường và nhà đầu tư....