Bứt tốc phát triển hạ tầng, đưa tăng trưởng về đích
Với mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt tối thiểu 8% cũng như hai con số trong giai đoạn tiếp theo, đầu tư hạ tầng được nhắc đến như là một động lực rất quan trọng. Hàng loạt công trình, dự án lớn, trọng điểm đã và đang được đẩy mạnh đầu tư để cải thiện hạ tầng kết nối, đồng thời tạo ra dư địa phát triển mới cho nền kinh tế.

Khởi công, khánh thành hàng trăm dự án trong dịp trọng đại của đất nước
Trong tháng 4, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đã đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án lớn, trọng điểm với tổng số vốn 445.000 tỷ đồng (tổng vốn khởi công là 305.000 tỷ đồng và tổng vốn các dự án khánh thành là 140.000 tỷ đồng).
Trong đó, đáng chú ý, dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sau hơn 20 tháng xây dựng đã hoàn thành sớm hơn 2 tháng. 4 hạng mục chính của dự án gồm: Nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không, hệ thống cầu cạn trước nhà ga và sân đỗ máy bay với tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng đã đi vào hoạt động đúng dịp 30/4-1/5. Với công suất thiết kế phục vụ 20 triệu hành khách/năm, nhà ga T3 sẽ giảm tải đáng kể cho nhà ga T1 đang quá tải.
Hai dự án khác do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư cũng được khởi công trong dịp này là dự án nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình và dự án Cảng hàng không Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Dự án cầu dây văng Rạch Miễu 2 (nối Tiền Giang Bến Tre) đã hợp long vào ngày 19/4 vừa qua, vượt tiến độ 4 tháng. Hay tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã thông xe kỹ thuật gần 20km đoạn từ nút giao QL1 (Km 3+420) đến Nút giao Nguyễn Văn Tạo (Km 21+850), đưa tổng chiều dài tuyến được khai thác chính thức lên 30km trong tổng số gần 58km toàn tuyến...

Ở phía Bắc, UBND TP.Hà Nội đã khởi công nút giao Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (huyện Hoài Đức); thông xe tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài. Tỉnh Ninh Bình đã khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình với chiều dài tuyến là 25,3km, tổng mức đầu tư 6.865 tỷ đồng. Tỉnh Yên Bái khánh thành đường nối quốc lộ 37, quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai…
Bên cạnh các dự án hạ tầng giao thông, trong dịp này một số tập đoàn tư nhân cũng khởi công các dự án quy mô lớn. Tại khu vực Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Vingroup đã khởi công Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ với diện tích 2.870 ha, tổng vốn đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD). Để tăng tính kết nối, Vingroup còn đề xuất xây tuyến metro dài 48,5 km, nối đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận 7, đến dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD.
Tại Long An, Tập đoàn Ecopark đã khởi công dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại, du lịch xã Thanh Phú, huyện Bến Lức (tên thương mại là Khu đô thị sinh thái, thương mại và du lịch Eco Retreat) với quy mô hơn 220 ha, tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỷ đồng…
Dự kiến trong dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh sắp tới, cả nước sẽ tiếp tục khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án lớn. Hiện Bộ Xây dựng đã có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp yêu cầu rà soát, đăng ký danh sách các công trình đủ điều kiện để tổ chức lễ khởi công, khánh thành đúng dịp trọng đại này.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, mỗi bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phấn đấu có ít nhất 2 dự án, công trình đủ điều kiện khởi công hoặc khánh thành để chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh.
Song song với hoạt động khởi công và khánh thành, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng phương án trưng bày các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong Triển lãm kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, dự kiến tổ chức tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia do Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam - công ty con của Vingroup làm chủ đầu tư với quy mô khoảng 90ha, dự kiến sẽ là một trong 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới sau khi hoàn thành.
Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia được khởi công ngày 30/8/2024, hiện đang trong giai đoạn nước rút và dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2025, sẵn sàng chào mừng dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9.
Động lực quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng
Có thể thấy, việc đồng loạt khởi công, khánh thành hàng trăm dự án trong năm 2025 không chỉ để tạo dấu ấn kỷ niệm những cột mốc trọng đại của đất nước mà năm 2025 còn là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Năm này cũng là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công với tổng vốn đầu tư công được giao lên tới hơn 825.000 tỷ đồng, mức kỷ lục từ trước đến nay.
Tại phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải diễn ra ngày 10/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong 3 nhiệm kỳ qua và trong các dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng đều xác định tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai hiệu quả phát triển hạ tầng giao thông gồm cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy, giúp kết nối con người với con người, kết nối vùng, kết nối cả nước, kết nối quốc tế, giảm thời gian đi lại, giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí logistics, tạo công ăn việc làm, tạo không gian phát triển mới.
Đặc biệt, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo, thúc đẩy đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm được xác định là một trong nhưng động lực quan trọng.
"Các dự án làm càng sớm thì càng hiệu quả, không đội vốn, không kéo dài, nhân dân vui mừng, xã hội phấn khởi, địa phương và đất nước phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo rà soát các nhiệm vụ, trong đó tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án; thúc đẩy hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc trong năm nay, 1.000 km đường ven biển, các dự án đường sắt, đường bộ kết nối với Lào, Trung Quốc…
Đồng thời, tập trung thúc đẩy triển khai xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, quyết tâm khởi công trong năm 2025 để kết nối đường sắt Việt Nam với Trung Quốc, Trung Á, châu Âu; bảo đảm cơ bản hoàn thành dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025, dự kiến khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào cuối năm 2026; thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phát triển hạ tầng giao thông, trên tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Về thi công, Thủ tướng yêu cầu cần làm việc trên tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm", thi công "3 ca 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ đề ra.