Ngành Ngân hàng có đủ nguồn vốn cho vay đối với Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao
Ngành Ngân hàng đã sẵn sàng và có đủ nguồn vốn để cho vay đối với Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao. Chỉ tính riêng hệ thống Agribank đã đảm bảo cung ứng khoảng 30.000 tỷ đồng để cho vay các thành phần tham gia thực hiện Đề án.

Thông tin trên được Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tổ chức ngày 9/4.
Theo báo cáo của Bộ NN&MT tại hội nghị, sau thời gian thí điểm, đến nay các tỉnh vùng ĐBSCL (trừ Bến Tre) đều đã đăng ký tham gia với tổng diện tích là 1.015 nghìn hecta. Trong đó, có một số tỉnh đăng ký diện tích lớn như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh. Đề án này đã triển khai được 7 mô hình điểm cấp Trung ương tại 5 tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ.
Kết quả bước đầu cho thấy mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường. Các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% đến 24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70 kg phân bón/hecta, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới.
Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7,0%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/hecta so với canh tác truyền thống.
Quan trọng hơn, mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm trung bình 2,0-12,0 tấn CO2 tương đương/hecta.
Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg thóc, tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân tham gia.
Về khía cạnh nguồn lực tài chính dành cho Đề án, đại diện lãnh đạo Bộ NN&MT cho biết, hiện Bộ này đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới để tiếp cận Quỹ Tài chính các bon chuyển đổi (TCAF). TCAF cũng đã cam kết hợp tác trong 2 giai đoạn, cụ thể:
Giai đoạn 1, sẽ ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA), với mức kinh phí tùy thuộc vào đàm phán;
Giai đoạn 2, sẽ ký Thỏa thuận mua bán kết quả giảm thải (MOPA) khi có sự cho phép của Luật pháp và Chính phủ. Thỏa thuận ERPA dự kiến sẽ được ký vào tháng 6/2026.
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới cũng đã huy động nguồn tài chính từ các quỹ trực tiếp quản lý để hỗ trợ thực hiện kế hoạch tăng cường năng lực thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris, xây dựng mô hình thí điểm, hệ thống MRV và nâng cao năng lực. Đồng thời, Ngân hàng Thế giới cam kết huy động thêm nguồn vốn không hoàn lại nếu Chính phủ phê duyệt Đề xuất dự án vào tháng 6/2025.
Đối với nguồn vốn vay tín dụng trong nước, thống kê sơ bộ của Bộ NN&MT tại 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL cho biết, nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, thành viên hợp tác xã tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao ở các địa phương đến năm 2030 là khoảng 82.989 tỷ đồng (trong đó: năm 2025 là 11.641 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 71.348 tỷ đồng). Hiện các địa phương cũng đang tổng hợp và công bố danh sách các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp đăng ký tham gia Đề án để các tổ chức tín dụng bước đầu chủ động tiếp cận khách hàng.
Bộ NN&MT cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) triển khai xây dựng chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và phát triển thương hiệu lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp trong khuôn khổ Đề án. Quy chế này giúp tăng cường kết nối giữa ngành nông nghiệp và hệ thống tài chính, đảm bảo dòng vốn được sử dụng hiệu quả để thúc đẩy sản xuất bền vững. Hiện nay, dự thảo Quy chế đang được hoàn thiện sau khi tiếp thu ý kiến góp ý từ NHNN, dự kiến sẽ được hai bên ký kết trong tháng 4/2025.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng đã sẵn sàng và có đủ nguồn vốn để cho vay đối với Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao.
"Hiện chỉ tính riêng hệ thống Agribank đã đảm bảo cung ứng khoảng 30.000 tỷ đồng để cho vay các thành phần tham gia thực hiện Đề án. Tuy nhiên, NHNN không có chủ trương giới hạn con số 30.000 tỷ đồng hay một hạn mức cụ thể nào, mà sẵn sàng đồng hành, sẵn sàng đảm bảo cung ứng đủ phần vốn tín dụng ưu đãi phục vụ Đề án", Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú thông tin.
Tuy nhiên, để các NHTM có cơ sở tham gia cho vay và giải ngân đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân tham gia Đề án, Phó Thống đốc Thường trực đề nghị Bộ NN&MT và các địa phương sớm tổng hợp, công bố danh sách các vùng chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp, đồng thời thông báo đến các chi nhánh NHNN và các ngân hàng thương mại (NHTM) tại khu vực ĐBSCL danh sách các liên kết, mô hình tham gia đề án để các TCTD có đủ cơ sở xem xét, quyết định cho vay sớm nhất có thể.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đề nghị Bộ NN&MT và các địa phương tập trung nghiên cứu, phân tích sâu hơn đối với từng khâu đoạn của chuỗi giá trị, nhất là các khâu đoạn từ thu mua lúa gạo nguyên liệu trong dân đến chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp. Bởi các khâu đoạn trong quá trình sản xuất ra hạt gạo, sau một năm thí điểm đã có nhiều kết quả ghi nhận tích cực nhưng các khâu chế biến, phân phối, xuất khẩu vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức mang tính chủ quan, chưa được cụ thể hóa làm tiền đề để đo lường hiệu quả khi nhân rộng các mô hình của Đề án và hiệu quả thực tế đối với người dân, doanh nghiệp, ngân hàng tham gia chương trình.