Nhận diện và tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp khi triển khai ESG
Việc thực hiện các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) đang ngày càng trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn gặp không ít rào cản. Những rào cản này đã được nhận diện tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất, tổ chức ngày 23/4.

Vẫn còn nhiều rào cản
Tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất, ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, ESG không còn là lựa chọn mang tính hình thức mà trở thành một phần chiến lược cốt lõi trong quản trị rủi ro, nâng cao giá trị thương hiệu và đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp.
Theo ông Huy, các chính sách phát triển bền vững của Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện qua việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược quốc gia, thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng bao trùm.
"Nhiều chính sách liên quan đến giảm phát thải carbon, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và nông nghiệp bền vững đã được ban hành, tạo nền tảng cho doanh nghiệp định hướng phát triển theo ESG. Tuy nhiên, tác động thực tế vẫn còn ở mức khiêm tốn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)", ông Huy chia sẻ.
Theo ông Huy, một trong những "nút thắt" lớn nhất là vấn đề tiếp cận vốn. Mặc dù nhiều chương trình tín dụng xanh được công bố, nhưng điều kiện vay vẫn phức tạp, đòi hỏi minh bạch về tài chính và tiêu chuẩn ESG mà đa số SME chưa đủ năng lực đáp ứng.
Thêm vào đó, SME cũng gặp khó trong tiếp cận công nghệ sạch và hiện đại do chi phí đầu tư cao và thiếu thông tin về các giải pháp phù hợp. Chuẩn ESG vẫn còn là khái niệm mới với nhiều doanh nghiệp, nhất là ở cấp độ quản trị, khiến việc áp dụng bị chậm trễ hoặc mang tính hình thức.

"Ngoài ra, trên thực tế hiện nay, nhiều chính sách phát triển bền vững tại Việt Nam còn chậm đi vào cuộc sống do thiếu sự đồng bộ giữa các bộ ngành, chưa rõ ràng về cơ chế phối hợp và giám sát. Các SMEs, vốn chiếm hơn 97% doanh nghiệp, cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận hỗ trợ do quy định thiếu linh hoạt và thông tin thiếu minh bạch", ông Huy chia sẻ.
Mở rộng hơn, TS. Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, chính sách phát triển bền vững không còn đơn lẻ mà mang yếu tố tổng thể.
Chuyển đổi xanh cần đi cùng với tài chính xanh, chính sách công nghiệp… nên cần có tư duy hệ thống, xây dựng hệ sinh thái chiến lược phát triển bền vững. Từ đó, cần xây dựng hệ sinh thái chính sách một cách tổng thể, hoàn thiện, phù hợp với từng cấp độ doanh nghiệp.
"Điểm nghẽn lớn nhất là chúng ta thiếu một cách tiếp cận, tư duy tiếp cận tổng thể về chiến lược phát triển bền vững quốc gia cũng như dành cho từng doanh nghiệp. Chúng ta cần có hệ sinh thái ESG, tức là chúng ta sẽ làm ESG theo tư duy toàn cầu nhưng hành động phải thực tế, theo tiêu chí tiêu chuẩn", ông Minh nhấn mạnh.

Cần xây dựng khung chính sách ESG quốc gia đồng bộ
Để cân bằng hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh áp lực ESG và chuyển đổi xanh ngày càng gia tăng, theo ông Nguyễn Tiến Huy, Việt Nam cần ưu tiên một số giải pháp chiến lược mang tính hệ thống.
Theo ông Huy, trước tiên, cần định hình lại mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, sáng tạo và bền vững thay vì chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và xuất khẩu gia công. Trong đó, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sạch cần được xác định là động lực phát triển then chốt.
Tiếp theo, cần tăng cường đầu tư vào hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi xanh và số hóa. Điều này bao gồm việc mở rộng quy mô sử dụng năng lượng tái tạo, phát triển hệ thống giao thông thông minh, nâng cao công nghệ xử lý chất thải, đồng thời ứng dụng công nghệ số để giám sát và quản lý dữ liệu ESG một cách hiệu quả.
"Việt Nam cần xây dựng khung chính sách ESG quốc gia đồng bộ, tạo nền tảng cho doanh nghiệp thực hiện, báo cáo và được hỗ trợ theo lộ trình cụ thể, tránh tình trạng "tự bơi" hoặc chạy theo tiêu chuẩn quốc tế mà thiếu hướng dẫn nội địa", ông Huy nhấn mạnh.
Một yếu tố quan trọng khác là phát triển nguồn nhân lực xanh. Việc này cần được thực hiện thông qua đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động hiện tại, đồng thời tích hợp nội dung phát triển bền vững vào hệ thống giáo dục.
Song song đó, hệ thống tài chính cũng cần được cải tổ để thúc đẩy các hình thức tài chính bền vững như tín dụng xanh, trái phiếu xanh và quỹ đầu tư ESG, qua đó tạo nguồn lực hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt là khối SME.
Cuối cùng, việc nâng cao năng lực thể chế và thực thi pháp luật là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch và hiệu quả của các chính sách. Nếu được triển khai đồng bộ, những giải pháp này sẽ giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khi từng bước chuyển mình sang một mô hình phát triển bền vững và có khả năng thích ứng cao trong bối cảnh tương lai nhiều biến động.
Với những giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể vừa duy trì đà tăng trưởng kinh tế, vừa chuyển dịch sang một mô hình phát triển thực sự bền vững và có khả năng thích ứng cao trong tương lai.
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cũng nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả ESG, cần có sự chung tay từ toàn xã hội, đặc biệt là người dân và người lao động, đồng thời cần xây dựng các cơ chế giám sát thực thi một cách cởi mở và rộng rãi.
Ông cũng cho rằng, việc phát triển hạ tầng mềm - bao gồm hệ thống tiêu chuẩn ESG và các quy định cụ thể để kiểm soát quá trình triển khai - là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động đối thoại định kỳ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân nhằm nâng cao nhận thức chung và giám sát chặt chẽ việc áp dụng ESG trong thực tiễn.