|
Hà Nội --°C / --%
Thứ hai, 21/04/2025 20:56

Thống nhất đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia

Chiều 21/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã họp với các bộ, ngành liên quan về việc nghiên cứu thành lập quỹ phát triển nhà ở (bao gồm nhà ở xã hội; nhà ở cho công nhân thuê; nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi thuê, mua…).

Thống nhất đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia- Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc họp với các bộ, ngành về việc nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia. Ảnh VGP

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho biết, triển khai nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trao đổi ở cấp kỹ thuật với Bộ Xây dựng để xác định các tồn tại trong việc phát triển nhà ở xã hội. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Chính phủ về việc nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia.

Trước đó, ngày 24/5/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở trong tình hình mới.

Triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 927/QĐ-TTg trong đó giao: Bộ Tài chính chủ trì "nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững"; Bộ Xây dựng chủ trì "nghiên cứu thành lập, thiết lập cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội".

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 8/1/2025 Bộ Tài chính đã có tờ trình báo cáo lãnh đạo Chính phủ về Đề án nghiên cứu định chế tài chính phục vụ phát triển nhà ở xã hội. Tại tờ trình này, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát toàn bộ quy định của pháp luật về các cơ chế tài chính phát triển nhà ở xã hội.

Theo đó, hiện nay ở trung ương cũng như địa phương đều đã có các định chế tài chính cũng như cơ chế chính sách cho vay ưu đãi đối với việc phát triển nhà ở xã hội, bên cạnh các chương trình tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy vậy vướng mắc lớn nhất trong thời gian vừa qua là nguồn vốn cho vay ưu đãi hạn hẹp.

Do đó, để đảm bảo triển khai khả thi, nhanh và hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất thay vì thành lập định chế tài chính mới thì sử dụng hệ thống các định chế tài chính hiện có để thực hiện cho vay phát triển nhà ở xã hội và kiến nghị trung ương, địa phương ưu tiên nguồn lực và các cơ chế hỗ trợ cho các định chế này mở rộng hoạt động cho vay nhà ở xã hội.

Thống nhất đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia- Ảnh 2.

Tại văn bản số 13848-CV/VPTW, ngày 18/3/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã: Đồng ý về chủ trương ban hành Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2025-2030; chỉ đạo tăng cường huy động các nguồn lực (kể cả ngân sách nhà nước và xã hội hóa) để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trước 2030.

Tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội quốc gia đang báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến quy định việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia để thực hiện cả 3 nội dung về: (1) Hỗ trợ kinh phí bồi thường, tái định cư; (2) Đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; (3) Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Giao Chính phủ quy định chi tiết mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, nguồn ngân sách cấp hằng năm.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng nêu rõ thực trạng đối với các vướng mắc liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay và kinh nghiệm quốc tế: Về hỗ trợ kinh phí bồi thường, tái định cư và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đối với hoạt động cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; về hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, tạo lập nhà ở xã hội; kinh nghiệm quốc tế phát triển nhà ở xã hội…

Trên cơ sở rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật và các định chế tài chính ở trung ương, địa phương, Bộ Tài chính trình phương án về cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và định hướng thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã trao đổi, thảo luận về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc thành lập quỹ; chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, quy mô, đối tượng phục vụ, cơ quan chủ quản, nguồn thành lập quỹ…. để quỹ hoạt động hiệu quả, đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đề ra.

Thống nhất đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia- Ảnh 3.

Sau khi nghe ý kiến của các bộ ngành, phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, việc thành lập một quỹ về phát triển nhà ở để thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người dưới 35 tuổi thuê mua, mua nhà ở… là có cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Do đó, thống nhất tên quỹ là "Quỹ phát triển nhà ở quốc gia".

Qũy phát triển nhà ở quốc gia là quỹ nhà nước ngoài ngân sách, do nhà nước thành lập (không trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước).

Dự kiến, nguồn của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia sẽ được huy động từ các nguồn: Ngân sách nhà nước cấp; Huy động từ sự tự nguyện đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; nguồn thu từ quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại theo quy định; nguồn huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân; các nguồn hợp pháp khác.

Về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, mô hình quản lý của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia,... Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ: Chức năng chính của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia là đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuê; nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi… Quỹ phát triển nhà ở quốc gia có 2 cấp. Cấp trung ương do Bộ Xây dựng quản lý; ở địa phương, UBND cấp tỉnh quản lý.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để hoàn thiện Đề án thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia và dự thảo Nghị định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

Trần Mạnh  
Thống nhất đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia
Kỳ vọng phát triển du lịch MICE từ siêu đô thị TP.HCM mở rộng
Thuế đối ứng nhìn từ câu chuyện của Boeing, Nike và hành động nhà đầu tư nên làm
Giảm tiền thuê đất năm 2024 sẽ trợ lực cho gần 30.000 doanh nghiệp và hộ gia đình phát triển sản xuất
Nếu Tổng thống Donald Trump sa thải ông Powell, ai sẽ là ứng viên sáng giá cho vị trí Chủ tịch FED?
'Thần tốc táo bạo' để đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên Xây dựng TP.HCM xứng đáng với kỳ vọng và sự hy sinh của các thế hệ đi trước
Thủ tướng chủ trì lễ khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án lớn kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam
Tìm giải pháp hóa giải thách thức cho doanh nghiệp trước chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ
Không để trục lợi, làm giá, đầu cơ trên thị trường vàng
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ về 5 dự án luật quan trọng
Giá vàng trong nước vượt “đỉnh” 120 triệu đồng/lượng, vàng thế giới bất ngờ hạ nhiệt
Đề nghị ADB hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn
3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
Tận dụng cơ hội, củng cố nội lực cho ngành tôm Việt Nam
Xuất khẩu gạo tháng 3/2025 tăng mạnh, Trung Quốc bất ngờ vươn lên vị trí thứ hai nhập khẩu gạo Việt Nam
Cảnh báo giả mạo Bộ Tài chính để lừa đảo
'Xanh hóa' giáo dục để tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế xanh
ADB: Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,6% năm 2025
Người dân phấn khởi xem tập bắn đại bác tại bến Bạch Đằng, TP.HCM
Xem thêm