Giá ca cao tăng kỷ lục: Nông dân mừng - doanh nghiệp lo
Thị trường ca cao Đắk Lắk năm nay xuất hiện 2 bức tranh tương phản rõ rệt. Giá ca cao tăng mạnh khiến nhiều nông dân phấn khởi, nhưng lại đẩy các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất vào tình thế khó khăn.
Giá ca cao tăng mạnh bối cảnh thị trường lên xuống thất thường. Điều đó đang đẩy chi phí sản xuất và lợi nhuận của Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar vào thế khó. Ông Thái Đăng Đàm - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar cho biết hiện giá ca cao đã tăng gấp ba lần so với những năm trước, giúp nông dân thu về trung bình 400 – 450 triệu đồng mỗi héc-ta.
Theo ông Đàm, giá ca cao tăng là tín hiệu đáng mừng với nông dân. Nhưng ngược lại, HTX lại gặp nhiều khó khăn trước tình cảnh này. Đó là nhu cầu vốn thu mua nguyên liệu tăng cao trong khi việc huy động nguồn lực gặp trở ngại. Thêm vào đó, sản lượng ca cao trên địa bàn còn hạn chế, khiến cạnh tranh với thương lái ngày càng gay gắt.

Không chỉ đối mặt với áp lực vốn, HTX còn chịu thêm gánh nặng từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, buộc phải nâng giá thành phẩm. Hệ quả là sức mua giảm mạnh, các đối tác tiêu thụ lớn từng gắn bó nhiều năm nay cũng chần chừ, chưa dám ký hợp đồng mới. Doanh thu quý I/2025 của HTX vì thế chỉ còn khoảng 60 - 70% so với cùng kỳ năm trước.
Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ và Thương mại Thành Đạt (huyện Ea Kar) cũng không tránh khỏi khó khăn. Ông Đường Văn Đình - Giám đốc HTX cho biết giá ca cao từ năm 2022 đến nay đã tăng vọt từ 90.000 đồng lên 240.000 - 260.000 đồng/kg, đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua, sơ chế, lên men và cung cấp hơn 20 tấn hạt ca cao khô cho các công ty sản xuất sôcôla, bánh kẹo. Thế nhưng, do nguồn hàng khan hiếm và áp lực cạnh tranh từ thương lái, từ đầu năm đến nay, HTX mới chỉ thu mua được khoảng 5 tấn.

Đáng lo ngại hơn, việc thương lái thu mua ồ ạt đang đe dọa chất lượng ca cao. Trong khi HTX mất ít nhất 21 ngày để sơ chế, lên men chuẩn quy trình và phơi chậm trong nhà lưới nhằm cho ra hạt ca cao đạt chất lượng cao, thì thương lái lại hướng dẫn người dân bỏ hạt tươi vào bao, cột lại 2 – 3 ngày rồi đem phơi rồi vẫn thu mua với giá cao.
Ông Đình chỉ ra rằng công đoạn lên men sơ sài khiến hạt chỉ mới ngả màu vàng nhạt, không kịp phát triển hương vị chuẩn để làm sôcôla, bánh kẹo. "Nếu tình trạng này kéo dài, chất lượng và thương hiệu ca cao địa phương sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, hoạt động của các HTX cũng sẽ đứng trước nhiều khó khăn", ông Đường Văn Đình lo ngại.
Cùng chung nỗi lo với các HTX, nhiều doanh nghiệp cũng đang phải vật lộn vì giá ca cao nguyên liệu leo thang. Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana) cho biết công ty chuyên chế biến sản phẩm từ hạt ca cao, cung cấp 20 - 30 tấn thành phẩm mỗi năm cho thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, giá ca cao tăng liên tục trong hơn một năm qua đã khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc điều chỉnh giá bán sản phẩm.

Ông Quang bày tỏ lo ngại: "Đối với khách hàng nước ngoài, chúng tôi đặc biệt phải cam kết giữ giá ổn định trong 6 – 12 tháng. Chính vì điều này nên việc điều chỉnh theo giá nguyên liệu cao trở nên rất bất lợi đối vơi chúng tôi. Thậm chí có thời điểm chúng tôi phải đối mặt với thua lỗ".
Để chủ động trong sản xuất và tìm kiếm nguồn hàng, các doanh nghiệp thu mua và chế biến ca cao trên địa bàn Đắk Lắk đang tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế, định hướng đầu tư chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng cao, nhắm tới phân khúc thị trường cao cấp. Song song đó, các doanh nghiệp cònhướng tới xây dựng một chuỗi liên kết sản xuất bền vững với nông dân và các HTX, góp phần nâng cao giá trị ngành ca cao./.