Lãnh đạo các địa phương nói gì về quyết tâm vì cả nước, vì mục tiêu tăng trưởng năm 2025?
Tại hội nghị của Chính phủ và các địa phương diễn ra sáng ngày 21/2, lãnh đạo các địa phương khẳng định với tinh thần trách nhiệm và xét tiềm năng, lợi thế của mình sẽ quyết tâm cao vì cả nước, phấn đấu tăng trưởng cao nhất năm 2025.
Hà Nội phấn đấu đạt quy mô 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm 12,6% GDP cả nước

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để đạt tăng trưởng 8% trở lên thì quy mô nền kinh tế của Hà Nội năm 2025 phải đạt quy mô 1,6 triệu tỷ đồng (tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm 2024), chiếm khoảng 12,6% GDP cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt khoảng 622.7000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu tăng 7% đạt hơn 20 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm, gồm:
Thứ nhất, khai thác, phát huy các động lực và nguồn lực truyền thống. Về nguồn đầu tư công, Hà Nội phấn đấu giải ngân khoảng 87.000 tỷ đồng trong kế hoạch, đặc biệt tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như cầu, đường sắt đô thị; tiếp tục rà soát khoảng 200 dự án chậm triển khai.
Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tư nhân, làm sao đảm bảo thu hút vốn qua ngân sách nhà nước tăng trên 18%; nộp ngân sách 360.000 tỷ đồng và vốn đầu tư FDI thì khoảng 3 tỷ USD; thành lập mới khoảng 30.000 doanh nghiệp và vốn đăng ký là trên 300.000 tỷ đồng; tập trung vào hạ tầng điện, đảm bảo năng lượng sản xuất, tiêu dùng; tăng trưởng ngành nông nghiệp trên 7%; phấn đấu có khoảng 190 sản phẩm và 120 doanh nghiệp được công nhận là công nghiệp chủ lực.
Thứ ba, triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng; phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 14%, giá trị ngành vận tải logistics tăng trên 7,7% và tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đặc sắc để có thể tăng doanh thu du lịch trên 13%.
Thứ tư, tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện. Hà Nội cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những nội dung trọng tâm trước mắt cũng như dài hạn như: Phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là trên 50 %, tức là khoảng 150.000/210.000 doanh nghiệp đang hoạt động; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng lực sản xuất; phát triển hơn 200 đơn vị được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế sáng tạo, phấn đấu năm 2025, tỉ trọng kinh tế số của Hà Nội đạt trên 20 tỷ USD (năm 2024 là 14 tỷ USD); lập thêm các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…
Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án, chương trình phát triển các mô hình tăng trưởng mới như: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị, kinh tế chia sẻ; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là các vấn đề mà Quốc hội, Trung ương đã giao trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, trong đó có Luật Thủ đô. Đặc biệt các một số nghị quyết cá biệt giao triển khai cụ thể tới đây và tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền xuống cho cấp huyện, thị. Thực tiễn chứng minh việc phân cấp, phân quyền này đang đi vào cuộc sống nhanh hơn.
TP.HCM quyết tâm vì cả nước, phấn đấu tăng trưởng 2 con số

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, TP.HCM quyết tâm vì cả nước, vì đồng bào Thành phố nên phấn đấu tăng trưởng ít nhất 10% năm 2025.
"Đây là nhiệm vụ hết sức là nặng nề, hết sức khó khăn nhưng không thể không làm", Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.
Để thực hiện nhiệm vụ mục tiêu ấy, Chủ tịch UBND TP.HCM đã đề xuất các giải pháp trọng tâm, cả trước mắt và lâu dài.
Theo đó, về nhiệm vụ trước mắt, TP.HCM thực hiện ba giải pháp, gồm:
Một là, đưa bộ máy sắp xếp đi vào hoạt động nhanh, kịp thời, đúng theo tinh thần tinh - gọn - mạnh từ năng lực đến hiệu quả và không để tình trạng gián đoạn trong quản lý nhà nước và gắn với triển khai đề án xây dựng nền công vụ của TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030, đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ phục vụ của công chức ở TP.HCM. Việc đầu tiên là ổn định bộ máy để bắt tay vào làm việc.
Thứ hai, tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, các dự án tồn đọng, các dự án có vướng mắc. TP.HCM sẽ tập trung để phân loại, có giải pháp cụ thể cho từng nhóm, từng vướng mắc và xin ý kiến của Chính phủ cũng như ý kiến các Bộ, ngành để có giải pháp tháo gỡ, để các dự án đi vào hoạt động, tạo nguồn thu ngân sách, nguồn lực để cho TP.HCM phát triển trong thời gian tới.
Thứ hai, giải quyết các điểm nghẽn, xử lý các dự án tồn đọng, dự án dừng thi công, khẩn trương triển khai và hoàn thành đưa vào sử dụng để chống lãng phí, thất thoát. TP. HCM sẽ tập trung rà soát và xử lý các vướng mắc, báo cáo các cấp thẩm quyền và các ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn theo Công điện 1112 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 7307 của UBND TP.HCM.
Thứ ba, huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn xã hội để tập trung cho đầu tư phát triển và lấy đầu tư công dẫn dắt cho đầu tư tư và chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.
"Mặc dù hết sức khó khăn nhưng Thành phố quyết tâm làm. Kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành giúp Thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án còn tồn đọng kéo dài cũng như khơi thông nguồn lực", ông Nguyễn Văn Được kiến nghị.
Về giải pháp lâu dài, TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ còn lại được Thủ tướng Chính phủ giao, thực hiện Nghị quyết số 98; rà soát, đề xuất với Bộ KHĐT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, UBTVQH ban hành cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, phấn đấu đến năm 2025 khởi công 2 dự án trong 5 dự án đầu tư BOT theo nghị quyết của Quốc hội. Đây là những dự án đặc thù cho TP.HCM. Triển khai ngay quy hoạch của thành phố sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với đó, tiếp tục duy trì và làm mới các động lực tăng trưởng, tận dụng các cơ hội mới cho TP.HCM phát triển như chương trình hành động của Nghị quyết 57. Đồng thời, triển khai dự án Trung tâm tài chính quốc tế mà Thủ tướng đã chỉ đạo để tạo ra kênh thu hút vốn cho quốc gia cũng như cho TP.HCM, đảm bảo nhu cầu vốn cho các dự án trong thời gian tới; tập trung cho dự án cảng trung chuyển quốc tế.
Hải Phòng cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng triển khai dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng

Theo Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, trong 10 năm liên tiếp, Hải Phòng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số, với mức bình quân đạt 12,35%/năm. Năm 2024, thành phố đã thực hiện đúng cam kết với Chính phủ, đạt tốc độ tăng trưởng 11,01%. Đối với năm 2025, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng 12,5% và Hải Phòng cam kết phấn đấu đạt được mục tiêu này, thậm chí có thể tăng trưởng ở mức cao hơn.
"Dự báo, GRDP của thành phố trong quý I/2025 sẽ đạt khoảng 12%, cao hơn mức trung bình của các năm trước, khi quý I thường chỉ đạt khoảng 10%. Về kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng trưởng của thành phố Hải Phòng dự kiến là 14%/năm so với giai đoạn trước", Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nói thêm.
Để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đưa ra 2 kiến nghị:
Thứ nhất, thành phố Hải Phòng cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng để triển khai dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng. Trong đó, 6.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng và hơn 5.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đoạn nhánh kết nối trực tiếp với cảng biển.
TP. Hải Phòng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét phương án thi công; đồng thời, từ cả hai đầu tuyến, tức là từ Lào Cai và từ Hải Phòng để rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa dự án vào vận hành.
Thứ hai, về hệ thống cảng biển quốc tế Tân Vũ - Lạch Huyện, hiện nay thành phố Hải Phòng có hai bến cảng đang hoạt động ổn định. Dự kiến đến tháng 3 năm nay, thành phố sẽ khánh thành thêm bốn bến cảng lớn với tổng mức đầu tư lên đến 16.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển các bến tiếp theo, cụ thể là bến số 7 và bến số 8. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang khẩn trương chuẩn bị để khởi công dự án này trong thời gian sớm nhất.
Để đảm bảo kết nối đồng bộ giữa hệ thống cảng biển và hạ tầng giao thông, Hải Phòng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm nghiên cứu và phê duyệt từ bến 9 đến bến 12. Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, tối ưu hóa chi phí logistics và thúc đẩy sự phát triển của Hải Phòng.
Chia sẻ cùng cả nước, Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng hơn 14%

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn cho biết, trước khi Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng là 12,05%. Sau khi Chính phủ chính thức giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh là 12%, Quảng Ninh chia sẻ cùng cả nước với tinh thần trách nhiệm và xét tiềm năng, lợi thế của mình, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng, phấn đấu vượt hơn 14%.
Khẳng định đây là con số lớn, đòi hỏi quyết tâm nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, từ người dân đến cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn đưa ra những nội dung chính cần tập trung thực hiện, gồm:
Thứ nhất, lấy đầu tư công, lấy đầu tư ngoài ngân sách làm động lực tăng trưởng chính. Với đầu tư công, ngay từ đầu năm, Quảng Ninh đã phân giao trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ, đầu tư nhanh nhất, sớm nhất với mục tiêu là giải ngân 100% vốn, triển khai các giải pháp để tăng thu ngân sách, bổ sung nguồn lực chi đầu tư phát triển trong năm với một số các dự án mới.
Cùng với đó, theo Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, tỉnh coi đầu tư ngoài ngân sách là giải pháp đặc biệt quan trọng, có tính quyết định trong năm 2025...
Thứ hai, đảm bảo tính ổn định của các ngành truyền thống như ngành than, điện phải bảo đảm chỉ tiêu đặt ra; thu hút du lịch bảo đảm doanh thu phải đạt hơn 55.000 tỷ đồng.
Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; nghiên cứu hoàn thiện không gian phát triển tổng thể khu vực xung quanh Vịnh Cửa Lục; tập trung đô thị hóa khu vực Thành Hồi để nắm bắt cơ hội phát triển mới.
Cùng với những việc cần tập trung thực hiện, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đưa ra đề xuất nhằm gỡ vướng liên quan đến ngành than; khu du lịch phức hợp cao cấp tại khu kinh tế Vân Đồn; nhà máy ô tô Thành Công và bổ sung quy hoạch điện gió trong Quy hoạch điện VIII.
"Tỉnh Quảng Ninh mong muốn được sự đồng hành, hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành để tỉnh nỗ lực với quyết tâm cao nhất đạt được những mục tiêu đề ra cùng với cả nước đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả nước là 8%", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn nói thêm.
Đà Nẵng phấn đấu tăng trưởng năm 2025 trên 10%

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng năm 2025 của Đà Nẵng là trên 10%.
Về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thành phố trong năm 2025, ông Lê Trung Chinh cho biết, Đà Nẵng sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án và các doanh nghiệp theo Kết luận số 77-KL/TW ngày 02/5/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 170/2024/QH15 ngày 30/11/2025 của Quốc hội, tạo điều kiện cho các dự án sớm được triển khai trong năm, tăng lượng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn. Phấn đấu tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt trên 50 ngàn tỷ đồng (năm 2024 là 33 ngàn tỷ đồng), trong đó, vốn khu vực nhà nước khoảng 10 ngàn tỷ đồng, vốn tư nhân khoảng 40 ngàn tỷ đồng.
Hiện nay, Đà Nẵng đang chủ động tháo gỡ những nội dung thuộc thẩm quyền để khơi thông nguồn lực. Dự kiến, trong quý I, II/2025 sẽ có những dự án lớn được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng trên 100.000 tỷ đồng và nhiều dự án trong số 1.340 dự án theo Nghị quyết số 170/2024/QH15 sẽ được tháo gỡ và được đưa vào đầu tư. Sân vận động Chi Lăng sẽ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng trước 30/4/2025; đủ điều kiện để đấu giá trong năm 2025. Thành phố đang tiếp tục rà soát, đề xuất tháo gỡ tiếp một số dự án lớn như phần diện tích 181ha, 29 ha tại khu vực lấn biển Thuận Phước. Đối với đoạn Cao tốc qua Đà Nẵng đã tháo gỡ xong các vướng mắc và sẽ hoàn thành thông xe trong tháng 8/2025.
Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới góp phần tiếp tục khẳng định thương hiệu du lịch của thành phố Đà Nẵng trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế, phấn đấu số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt khoảng 12 triệu lượt, tăng 9,5-10% so với năm 2024.
Cùng với đó, Đà Nẵng sẽ xây dựng và triển khai không gian đổi mới, sáng tạo, thu hút đầu tư trong các lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Vận hành hiệu quả Khu Công viên phần mềm số 2, trong đó có các phòng lab dành cho đào tạo vi mạch và AI; Trung tâm dữ liệu Đà Nẵng.
Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội đối với Khu thương mại tự do Đà Nẵng và Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng; chuẩn bị Đề án Khu thương mại tự do và Trung tâm tài chính khu vực, khẩn trương hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2025)...