|
Hà Nội --°C / --%
Thứ bảy, 03/05/2025 16:38

Liên kết chuỗi trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức tăng sức cạnh tranh toàn cầu

Trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động khó lường, việc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những "chìa khóa" then chốt. Trong đó, việc tăng cường hợp tác giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước, cũng như mở rộng liên kết giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân chính là giải pháp giúp doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh.

lien-ket-chuoi-doanh-nghiep-4-1746258488.jpg
Việc tăng cường hợp tác giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước, cũng như mở rộng liên kết giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân chính là giải pháp giúp doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh.(Ảnh minh họa)

Tăng cường hợp tác, mở rộng liên kết giữa các doanh nghiệp là giải pháp then chốt

Năm 2025 là năm có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều thách thức đan xen cho nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động khó lường đang gây nhiều tác động bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, việc tăng cường hợp tác giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước, cũng như mở rộng liên kết giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân chính là giải pháp để vượt qua khó khăn, tận dụng lợi thế lẫn nhau để cùng phát triển và nâng sức cạnh tranh.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Kinh tế thế giới đối mặt với rất nhiều rủi ro, thách thức, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại - công nghệ, bảo hộ thương mại gia tăng, khiến giá cả hàng hóa, lạm phát tăng trở lại, dòng chảy thương mại có nguy cơ gián đoạn, đứt gãy khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại, rủi ro an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng và thiên tai, khí hậu cực đoan vẫn thường trực…

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4 và sau đó cùng với phản ứng của các nước đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế, thương mại, đầu tư và thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt tác động nhiều đến các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Ở góc nhìn trong nước, số liệu từ Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý I năm 2025 đạt 6,93%. Tính chung quý I/2025, cả nước có hơn 72,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

“Tuy vậy, theo khảo sát của VCCI trên quy mô toàn quốc cho thấy chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

lien-ket-chuoi-doanh-nghiep-1-1746258586.jpg
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.(Ảnh VCCI)

Đồng thời cho biết, mặc dù đã có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%) và chỉ có khoảng 2% các doanh nghiệp lớn.

Ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, tất cả điều đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.

Do đó, để có thể bứt phá vào năm 2025, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, việc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những "chìa khóa" then chốt. Không chỉ là tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, việc phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu quan trọng được đặt ra thời gian tới.

Mặc dù liên kết chuỗi doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng theo các chuyên gia hiện Việt Nam vẫn thiếu chính sách đặc thù thúc đẩy các hình thức liên kết doanh nghiệp, nhất là chính sách ưu đãi về thuế, tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh theo mức độ tham gia liên kết chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Quy định hiện hành chưa đủ thuận lợi cho hoạt động tiếp cận các hình thức cấp vốn theo chuỗi giá trị.

Tháo gỡ điểm nghẽn thúc đẩy liên kết chuỗi doanh nghiệp là thực sự cần thiết

Hiện nay trong cả nước có khoảng 700 Hiệp hội, Câu lạc bộ doanh nghiệp, doanh nhân trong đó có khoảng 100 hiệp hội có phạm vi hoạt động toàn quốc, còn lại là phạm vi cấp tỉnh huyện; 28 hiệp hội ngành nghề. Hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động đều tham gia một hoặc một số tổ chức hội doanh nghiệp, qua đó tạo ra mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp. Vai trò liên kết doanh nghiệp trong các Hiệp hội ngày càng được nâng cao.

Vì vậy, tại “Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh" mới diễn ra, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) Trần Thị Hồng Minh khẳng định việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, môi trường kinh doanh để thúc đẩy liên kết chuỗi doanh nghiệp là thực sự cần thiết.

Bà Trần Thị Hồng Minh đánh giá, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường như hiện nay, liên kết doanh nghiệp càng trở nên quan trọng hơn để mở rộng và đa dạng hóa thị trường, kết nối và hiện thực hóa các mô hình kinh doanh mới, chia sẻ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và ứng phó hiệu quả với các diễn biến bất lợi, nhờ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo bà Minh, các hình thức liên kết hiện nay đang ngày một đa dạng hơn, bao gồm hợp tác doanh nghiệp cùng ngành (liên kết ngang); hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng (liên kết dọc); đầu tư, góp vốn, mua bán, sáp nhập và hình thành các nhóm công ty, ký kết hợp tác chiến lược nhằm chia sẻ thị trường, thông tin, nghiên cứu và phát triển.

Trong mối liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng tăng. Liên kết doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước có điều kiện thuận lợi để phát triển thông qua chủ trương cổ phần hóa và đa dạng hóa sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Tuy vậy, bà Minh nhận định, nhìn chung doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu sự liên kết chặt chẽ có tính hệ thống và bài bản.

Việt Nam đã có một số doanh nghiệp lớn tham gia cạnh tranh quốc tế, tham gia một số khâu, công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và thế giới. Tuy nhiên, mạng lưới doanh nghiệp liên kết vẫn bị giới hạn chủ yếu trong phạm vi số ít các doanh nghiệp cùng hệ thống sở hữu; đồng thời còn thiếu các doanh nghiệp lớn, cả doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân, có khả năng kết nối, làm chủ chuỗi giá trị và dẫn dắt hệ sinh thái doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước để phát triển các ngành kinh tế chiến lược quốc gia có khả năng cạnh tranh quốc tế.

lien-ket-chuoi-doanh-nghiep-2-1746258616.jpg
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương).(Ảnh VCCI)

Bên cạnh đó, bà Minh cho rằng, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn hoạt động đơn lẻ và chưa chủ động tham gia vào các quan hệ đối tác, liên kết. Trong những giai đoạn kinh tế khó khăn, chuỗi cung ứng đứt gãy..., các doanh nghiệp trong nước không tạo được vòng tuần hoàn chặt chẽ để cùng liên kết, cung ứng, chia sẻ và tối đa hóa đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, cùng nhau phát triển.

Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt. Bà Minh chỉ ra, số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp FDI chỉ đạt khoảng 300 trên tổng số hơn 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó chủ yếu cung ứng hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng thấp hoặc đơn giản.

Số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2018-2024 cho thấy có trên 97% trả lời không có hoạt động liên quan đến xuất khẩu và 99% doanh nghiệp không có gia công hoặc sản xuất hàng hóa cho nước ngoài. Một nghiên cứu của VCCI năm 2022 cũng cho thấy, một nửa doanh nghiệp khảo sát trả lời (53,3%) không đặt mục tiêu gì khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tức là thiếu định hướng rõ ràng.

Bà Minh đánh giá, năng lực nội tại của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Năng lực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn tương đối hạn chế, từ cạnh tranh về giá, chất lượng cho đến khả năng giao hàng đúng thời hạn, thực hiện đơn hàng lớn, tiếp cận kênh phân phối. Các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19, qua đó ảnh hưởng đến năng suất lao động, và khả năng thích ứng và liên kết với bên ngoài.

Trong mối quan hệ với doanh nghiệp nước ngoài, việc các doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ để cùng tham gia chuỗi giá trị do một số nguyên nhân quan trọng.

Cần có những chính sách đặc thù về thúc đẩy các hình thức liên kết doanh nghiệp

Liên quan đến vấn đề thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết doanh nghiệp còn bất cập. Chính sách phát triển doanh nghiệp chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh để tham gia các liên kết doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và quốc tế. Hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thấp.

Trong khi đó, Việt Nam còn thiếu chính sách đặc thù về thúc đẩy các hình thức liên kết doanh nghiệp, nhất là chính sách ưu đãi về thuế, tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh theo mức độ tham gia liên kết chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Quy định hiện hành chưa đủ thuận lợi cho hoạt động tiếp cận các hình thức cấp vốn theo chuỗi giá trị.

Do đó, bà Minh kiến nghị, trong thời gian tới cần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, môi trường kinh doanh. Theo đó, quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông hiện đại và các công nghệ điển hình.

Mặt khác, cần xây dựng, phát triển, hoàn thiện hạ tầng số hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả để thực hiện quản lý nhà nước trên môi trường số và thực hiện các mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ cho các chủ thể kinh doanh. Khẩn trương hoàn thiện, kết nối, chia sẻ đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để hình thành một hệ thống thông tin kết nối và thống nhất về đăng ký kinh doanh, cấp phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh, thuế, hóa đơn, báo cáo tài chính,...

lien-ket-chuoi-doanh-nghiep-5-1746258474.jpg
Trong mối liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng tăng. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng bằng chính sách ưu đãi vượt trội về thuế, tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng, mặt bằng kinh doanh theo mức độ tham gia liên kết.

Theo bà Minh, việc điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng nâng cao điều kiện ràng buộc về tỷ lệ nội địa hóa và tỷ lệ sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Nhà nước đầu tư và có cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Sớm hình thành và phát triển các khu thương mại tự do làm cứ điểm chiến lược để các doanh nghiệp phát triển tập trung và phát triển theo chuỗi liên kết ngành, gắn với các mô hình kinh doanh mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,...).

Đồng thời, cần thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam quy mô lớn đóng vai trò liên kết, quy tụ, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước ở một số ngành, lĩnh vực có thể đem lại vị thế quan trọng của quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

"Trước mắt, cần thúc đẩy phát triển thực chất đối với công nghiệp bán dẫn, điện tử tiên tiến, phát triển phần mềm và trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp, công nghệ xanh và năng lượng tái tạo, các dịch vụ có tính kết nối (logistics, ICT) và hạ tầng thông minh. Ưu tiên mua sắm công đối với sản phẩm, dịch vụ của các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia thực hiện các dự án đầu tư công", bà Minh nói.

Cuối cùng, bà Minh cho rằng, cần tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, tập trung vào thực hiện một số giải pháp đồng bộ như: Phát triển nền tảng số của Việt Nam để thúc đẩy kết nối doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chia sẻ thông tin, tìm kiếm đối tác và tận dụng nguồn lực chung. Xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu, giúp doanh nghiệp dễ dàng truy cập thông tin thị trường, xu hướng ngành và cơ hội hợp tác. Củng cố, đổi mới mô hình cụm liên kết ngành giữa các doanh nghiệp khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI theo chuỗi giá trị./.

Trọng Bình  
Liên kết chuỗi trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức tăng sức cạnh tranh toàn cầu
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả
Doanh nghiệp đa cấp phải rà soát toàn bộ sản phẩm sau vụ thuốc giả, sữa giả
Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ASEAN và top 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu
Lời cảm ơn của Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và Đảng bộ, Chính quyền TP.HCM
Tổng Bí thư: Tiếp tục lập nên những kỳ tích trong kỷ nguyên mới của dân tộc
Metro Bến Thành - Suối Tiên miễn phí vé cho người dân dịp lễ 304 và 15
Thắp sáng cầu Ba Son về đêm với hệ thống chiếu sáng mỹ thuật hiện đại
Kỷ niệm trọng thể 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chủ động làm việc với phía Hoa Kỳ về các vấn đề đàm phán
Đồng ý chủ trương Vietnam Airlines mua tàu bay không cấp bảo lãnh Chính phủ
Thành tựu về an sinh xã hội của TP.HCM trong 50 năm qua
TS Nguyễn Bá: Người làm nên thời đại hoàng kim ngành bưu chính viễn thông TP.HCM
Metro số 1 tăng chuyến, chạy sớm từ 4h30 phục vụ người dân xem duyệt binh 30/4
30/4 – Đất nước trọn niềm vui
Việt Nam - Campuchia ký thỏa thuận thương mại ưu đãi thuế quan đặc biệt
Học bổng chính phủ New Zealand bậc đại học bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 1/5
Hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản xác định trụ cột mới của quan hệ song phương
Hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa tài sản số làm tài sản bảo đảm
Người Mỹ vẫn bi quan về nền kinh tế ngay cả sau khi Tổng thống Donald Trump tạm dừng áp thuế quan đối ứng trong 90 ngày
Xem thêm