Tận dụng cơ hội, củng cố nội lực cho ngành tôm Việt Nam
Trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ thay đổi đột ngột, các quốc gia xuất khẩu tôm như Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan hay Indonesia đang có những bước đi chiến lược để ứng phó, tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro.

Ngành tôm Việt Nam trước chính sách thuế quan của Mỹ
Rạng sáng ngày 10/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố tạm hoãn áp dụng thuế quan đối ứng trong 90 ngày với các quốc gia không trả đũa Mỹ. Đồng thời, mức thuế áp với Trung Quốc lại tăng mạnh, từ 50% lên tới 125%. Các nước trước đây chịu mức thuế quan trên 10% sẽ được giảm tạm thời xuống còn 10%. Động thái này ngay lập tức khiến cán cân thương mại toàn cầu rung chuyển và đặt ra hàng loạt thách thức cũng như cơ hội cho các nước xuất khẩu thủy sản – đặc biệt là ngành tôm.
Hành động của các nước xuất khẩu vào Mỹ
Là một trong những quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, Ấn Độ tiếp cận động thái mới của Mỹ bằng thái độ thận trọng. Bộ Thương mại nước này cho biết đang rà soát kỹ lưỡng tác động và tiềm năng từ thay đổi chính sách thuế quan của Mỹ. Họ thừa nhận rằng mức thuế hiện tại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của thị trường Mỹ đối với hàng hóa Ấn Độ, nhưng cũng nhấn mạnh khả năng cung ứng tôm giá trị gia tăng của Ấn Độ là lợi thế mà nhiều đối thủ chưa thể thay thế.
Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Ấn Độ cho biết họ đã nhận được cam kết từ một số khách hàng Mỹ sẵn sàng chia sẻ chi phí phát sinh do thuế quan, nhằm giữ vững chuỗi cung ứng. Đặc biệt, Ấn Độ đang mở rộng hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, Nga, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc – qua đó giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong dài hạn.
Trong khi đó, Ecuador – nước xuất khẩu tôm lớn thứ ba thế giới – đã có bước đi chủ động đáng chú ý. Ngay sau thông báo thuế từ Mỹ, Ecuador tuyên bố tạm thời giảm thuế nhập khẩu với sản phẩm tôm của Mỹ xuống 0%, từ mức 30% trước đó. Chính sách này áp dụng cho các phân loại tôm mã 0306.17, bao gồm cả tôm nguyên con, đuôi tôm và sản phẩm chế biến khác, kéo dài đến hết năm 2025.
Đây được coi là động thái “mềm dẻo” mang tính chiến lược nhằm giữ gìn quan hệ thương mại thuận lợi với Mỹ – đối tác lớn nhất của Ecuador. Ngay cả trước khi lệnh thuế mới được công bố, Ecuador đã chủ động phối hợp giữa khu vực công và tư để nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện các điều kiện tiếp cận thị trường Mỹ.
Thái Lan cũng nhanh chóng công bố kế hoạch điều chỉnh cán cân thương mại với Mỹ trong vòng 10 năm tới. Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Thái Lan ngày 8/4, nước này sẽ tăng cường nhập khẩu từ Mỹ các mặt hàng như ngô, đậu tương, dầu thô, khí hóa lỏng, ô tô và máy bay – những sản phẩm có giá trị cao và được Mỹ ưu tiên xuất khẩu.
Đồng thời, Thái Lan đang đẩy mạnh các thỏa thuận thương mại song phương và hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Chính phủ cam kết tháo gỡ các rào cản phi thuế và xem xét lại quy định nhập khẩu thịt heo từ Mỹ – một nhượng bộ chiến lược để bảo vệ quyền lợi của ngành xuất khẩu chủ lực.
Tương tự, Indonesia cũng đang xây dựng chiến lược đồng bộ để xử lý các rào cản thuế quan từ Mỹ. Chính phủ nước này tuyên bố sẽ hỗ trợ tài chính cho các ngành bị ảnh hưởng, đồng thời định hướng chuyển dịch thương mại sang châu Âu như một lựa chọn thay thế cho thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Việt Nam: Cơ hội chen chân và tăng cường kiểm soát xuất xứ
Bà Tạ Thị Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tôm Trung Quốc - một trong những nguồn cung lớn nhất cho thị trường Mỹ - đang chịu ảnh hưởng lớn do mức thuế khổng lồ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng thủy sản, đặc biệt là tôm tại Mỹ vẫn giữ ở mức ổn định. Đây được xem là cơ hội “vàng” cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, gia tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường này.
Để tận dụng tốt cơ hội 90 ngày “tạm hoãn thuế”, các doanh nghiệp Việt Nam đang chủ động tái cấu trúc chiến lược, nâng cao năng lực và chuẩn hóa quy trình sản xuất. Một số biện pháp được ưu tiên bao gồm: tăng cường kiểm soát xuất xứ, giảm chi phí đầu vào - đặc biệt là thức ăn chăn nuôi chiếm đến 60-70% giá thành sản phẩm, mở rộng năng lực kho lạnh, chuẩn hóa kỹ thuật theo các tiêu chuẩn quốc tế và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP hay RCEP cũng là hướng đi được Chính phủ và doanh nghiệp cùng thúc đẩy, nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Mặc dù việc Mỹ tạm hoãn thuế trong 90 ngày giúp các doanh nghiệp tạm “thở phào”, nhưng thực tế cho thấy rủi ro thương mại vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại hoặc điều tra gian lận xuất xứ.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần coi giai đoạn này là cơ hội củng cố nội lực. Việc chuẩn hóa quy trình, đầu tư vào chế biến sâu, xây dựng thương hiệu “Tôm Việt” gắn với minh bạch – bền vững – chất lượng sẽ là nền tảng lâu dài giúp Việt Nam duy trì và mở rộng vị thế trên bản đồ thương mại thủy sản toàn cầu. Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ từ Chính phủ trong công tác đàm phán song phương với Mỹ và triển khai chính sách hỗ trợ tài chính, logistics và thuế, tin tưởng doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể vượt qua sóng gió để bứt phá trong cuộc chơi thuế quan đầy biến động này.