|
Hà Nội --°C / --%
Thứ ba, 29/04/2025 18:06

Cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo: Hiện thực lộ trình phát triển lúa gạo bền vững và giảm phát thải

Dự án 'Cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSH' là mô hình trình diễn chính sách, cụ thể hóa định hướng tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo gắn với phát triển bền vững và giảm phát thải. Sau 5 năm triển khai thành công tại huyện Đông Hưng, Thái Bình, phía Hàn Quốc bàn giao cho Việt Nam.

Ngày 28/4, tại xã Liên Hoa (Đông Hưng), Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Phát triển nông thôn Hàn Quốc tổ chức lễ bàn giao các hạng mục và tài sản dự án “Cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng đồng bằng sông Hồng, Việt Nam”.

cai-tien-chuoi-gia-tri-lua-gao-1-1745914402.jpg
Đại điện các bên liên quan thực hiện nghi thức bàn giao các hạng mục và tài sản từ dự án “Cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng Đồng bằng sông Hồng, Việt Nam”.

Biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp

Dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại, thông qua Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Phát triển nông thôn Hàn Quốc. Triển khai từ năm 2021 tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, trung tâm điều hành dự án đặt tại xã Liên Hoa, huyện Đông Hưng. Trong quá trình thực hiện, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng khu vực 3ha; xây dựng đường hành lang chân đê kết nối giao thông; thi công tuyến đường điện và thành lập tổ công tác hỗ trợ dự án.

Sau 4 năm triển khai, dự án đã hoàn thiện toàn bộ các hạng mục: Trung tâm đào tạo nông nghiệp; khu canh tác thí điểm 2,4ha; khu xử lý sau thu hoạch với hệ thống máy sấy công suất 20 tấn/ngày, máy xay xát công suất 1 tấn/giờ, hệ thống kho chứa hiện đại và khu nhà kính sản xuất mạ khay.

Song song với việc xây dựng cơ sở vật chất, Ban Quản lý dự án đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân như: sản xuất và cung cấp mạ khay chất lượng cao; thu mua và sấy thóc; cung cấp dịch vụ sấy thuê; cung cấp các dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ thuật sản xuất cho nông dân và thành viên hợp tác xã.

Qua đánh giá, dự án đạt được nhiều kết quả nổi bật: năng suất lúa trung bình tăng trên 10%; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch giảm đáng kể. Mô hình sản xuất khép kín, đồng bộ từ canh tác đến chế biến, tiêu thụ giúp ổn định nguồn cung, giảm rủi ro mùa vụ, góp phần tăng thu nhập cho người dân tham gia.

cai-tien-chuoi-gia-tri-lua-gao-2-1745914450.jpg
Các đại biểu dự buổi lễ.

Ông Vũ Đức Đam Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chia sẻ, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ trên phương diện kỹ thuật và hành chính mà còn là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác chiến lược, hiệu quả và không ngừng phát triển giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông Quang, dự án không chỉ mang lại kết quả cụ thể về hạ tầng, công nghệ mà còn là mô hình trình diễn chính sách, cụ thể hóa định hướng tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo gắn với phát triển bền vững và giảm phát thải mà Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh.

Ông khẳng định: “Tổ chức bàn giao tài sản tạm thời ngày hôm nay không chỉ là bước chuyển giao kỹ thuật mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ về trách nhiệm, tiến độ và hiệu quả trong hợp tác giữa hai Chính phủ. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tiến tới vận hành mô hình một cách hiệu quả, phục vụ cộng đồng và lan tỏa sang các địa phương khác trong vùng”.

Về phía Hàn Quốc, ông Moon Kyung Duck, Giám đốc Ban Phát triển nông nghiệp toàn cầu (Phòng Hợp tác Quốc tế thuộc MAFRA) cho biết, dự án này đã trở thành hình mẫu hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Chúng tôi không chỉ xây dựng cơ sở vật chất mà còn cùng nhau thiết lập nền tảng chung hướng tới đổi mới và phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo”, ông nói.

cai-tien-chuoi-gia-tri-lua-gao-3-1745914506.jpg
Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dự án được bàn giao cho phía Việt Nam.

Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng một mô hình nông nghiệp bền vững

Chia sẻ lý do lựa chọn dự án này để đầu tư không hoàn lại trong nhiều dự án mà phía Việt Nam đề xuất, ông Moon Kyung Duck nói, nguyên nhân do ngành lúa gạo của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) – vùng sản xuất lúa trọng điểm giữ vị trí quan trọng trong phát triển nông nghiệp và kinh tế. Do đó, MAFRA đã lựa chọn triển khai dự án này với mục tiêu nâng cao năng suất và hiệu quả của ngành lúa gạo tại Việt Nam, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, dự án còn được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực vào phát triển kinh tế khu vực và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời xây dựng một mô hình nông nghiệp bền vững.

Ông Moon Kyung Duck cho biết với thành công của dự án, thời gian tới, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy việc nhân rộng các dự án tương tự tại các khu vực khác, qua đó tiếp tục nâng cao năng suất và hiệu quả của ngành nông nghiệp Việt Nam, đồng thời hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển bền vững nền nông nghiệp hai nước.

Ngoài các dự án nhằm nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, Hàn Quốc cũng đang xem xét nhiều hình thức hợp tác đa dạng để hỗ trợ sự phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn Việt Nam, nhất là ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh, nâng cao năng suất nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như triển khai các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho nông dân.

cai-tien-chuoi-gia-tri-lua-gao-4-1745914561.jpg
Đại diện địa phương và phía Hàn Quốc trao biển bàn giao dự án tượng trưng.

Là đơn vị đại diện phía Việt Nam tiếp nhận dự án trước khi bàn giao cho địa phương, ông Bùi Hải Nam, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp nói: "Sự kiện hôm nay đánh dấu bước chuyển giao từ xây dựng, vận hành sang chuyển giao tài sản cho phía Việt Nam. Chúng tôi rất hi vọng sau khi chuyển giao cho địa phương, dự án sẽ được vận hành hiệu quả hơn, đem lại lợi ích cho nông dân, tạo thêm giá trị và nâng cao thu nhập cho bà con”.

Gửi lời cảm ơn đến các đối tác phía Hàn Quốc, ông Bùi Hải Nam hi vọng sẽ có thêm nhiều dự án hợp tác phù hợp với định hướng của ngành nông nghiệp Việt Nam như sản xuất có trách nhiệm, phát triển kinh tế xanh./.

Dự án "Cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSH" được triển khai tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hưng Yên từ 2020 – 2025 do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Phát triển nông thôn Hàn Quốc – MAFRA. Tại Việt Nam, dự án được Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) giao Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp phối hợp cùng Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC) quản lý.

Khi triển khai năm 2020, mục tiêu của dự án là xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển chuỗi giá trị lúa gạo khu vực ĐBSH, nâng cao năng lực canh tác lúa hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu cho nông dân nhằm nâng cao thu nhập và đảm bảo an ninh lương thực.

Bên cạnh đó, xây dựng thành công mô hình trình diễn canh tác lúa bền vững, giá trị cao tại tỉnh Thái Bình để nhân rộng ra toàn bộ khu vực ĐBSH.

Những năm qua, hoạt động chính của dự án gồm xây dựng kế hoạch tổng thể cái tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSH, tăng cường năng lực và truyền thông, chiến lược marketing cho dự án.

Ngoài ra, xây dựng và vận hành mô hình trình diễn canh tác, đào tạo và chế biến lúa gạo bền vững, lập kế hoạch nhân rộng sau dự án. Song song đó, phối hợp để điều phối, giám sát và quản lý dự án giữa Việt Nam và Hàn Quốc.


Hiện nay dự án đã triển khai 4 hợp phần tại xã Liên Hoa, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình bao gồm: Trung tâm đào tạo nông nghiệp, khu canh tác thí điểm, khu xử lý sau thu hoạch và hệ thống nhà kính.

Bình Châu  
Cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo: Hiện thực lộ trình phát triển lúa gạo bền vững và giảm phát thải
Chè Thái Nguyên trên hành trình trở thành nông sản chiến lược xuất khẩu tỷ đô
Cà Mau đẩy mạnh phát triển, hướng tới trung tâm kinh tế biển quốc gia
Giá cà phê giảm nhiệt: Tác động từ tồn kho tăng và áp lực thị trường
Nông dân Hà Tĩnh dùng máy bay không người lái chăm sóc cây trồng
Giá ca cao tăng kỷ lục: Nông dân mừng - doanh nghiệp lo
Liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn ở Đắk Nông
Cơ hội và thách thức với ngành nông nghiệp Việt Nam để thu hút FDI
Thanh Hóa: Bật dậy tiềm năng nông nghiệp bền vững bằng chuyển đổi số
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với hạn hán
Sản phẩm OCOP “vươn tầm”, tăng độ nhận diện kinh tế nông thôn
Tuân thủ các quy định xuất khẩu để giữ vững thị trường
Việt Nam chuẩn bị 3 kịch bản tăng trưởng nông nghiệp và giải pháp ứng phó với thuế quan Mỹ
Xuất khẩu nông sản tăng tốc trong 'khoảng lặng' thuế quan, tìm giải pháp 'xoay trục' thị trường
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh, kỳ vọng sự bứt phá của sầu riêng
Một số điểm sáng chiến lược về chuyển đổi xanh trong nông nghiệp Việt Nam
Việt Nam ký thêm 4 nghị định thư về xuất khẩu nông sản với Trung Quốc
Quốc hội sẽ xem xét miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
Nông dân Đắk Lắk từng bước chuyển sang canh tác cà phê thông minh
Những nông sản chủ lực giữ phong độ thúc đẩy tăng trưởng nông sản quý I cao kỷ lục trong 4 năm qua
Xem thêm