Chính sách đất đai cho chính quyền địa phương hai cấp sẽ được hoàn thiện trong quý II/2025
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết sẽ trình Chính phủ hai Nghị định liên quan đến môi trường và đất đai, nhằm triển khai hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ngoài ra, Bộ này cũng sẽ trình 3 Nghị định khác liên quan đến địa chất và khoáng sản trong tháng 4 và tháng 6/2025.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong quý II/2025, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành tổng cộng 5 Nghị định. Các Nghị định này nhằm cụ thể hóa việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác năm 2025, tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp, môi trường, địa chất và khoáng sản.
Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy về phương án xử lý văn bản quy phạm pháp luật để triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Bộ sẽ trình Chính phủ 2 Nghị định quan trọng.
2 Nghị định này bao gồm: Nghị định quy định chi tiết một số nội dung quản lý nhà nước liên quan đến sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực đất đai; Nghị định quy định chi tiết một số nội dung quản lý nhà nước liên quan đến sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
Theo kế hoạch dự kiến, 2 Nghị định quan trọng này sẽ được Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình Chính phủ trước ngày 1/6/2025.
Đồng thời, nhằm thực hiện đúng tiến độ chương trình công tác năm 2025, Bộ sẽ trình thêm 3 Nghị định khác trong quý II, liên quan đến các lĩnh vực như quản lý hồ đập, đa dạng sinh học, địa chất và khoáng sản. Các Nghị định này được lên kế hoạch trình trong tháng 4 và tháng 6/2025.
Cụ thể, trong tháng 6, Bộ sẽ trình Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, nhằm nâng cao hiệu quả giám sát và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi.
Cùng với đó là Nghị định thay thế Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 64/2019/NĐ-CP) nhằm cập nhật tiêu chí xác định và chế độ quản lý các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Một Nghị định quan trọng khác cũng sẽ được trình trong tháng 6/2025 là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP) về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, đồng thời thực thi Công ước CITES về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.
Riêng với Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Địa chất và khoáng sản, Bộ có trách nhiệm trình Chính phủ trước ngày 15/4/2025. Tuy nhiên, theo Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), việc hoàn thiện dự thảo Nghị định này đang có nguy cơ chậm tiến độ.
Liên quan đến Kế hoạch hành động quốc gia nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang gấp rút hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/4/2025.
Đồng thời, Bộ tiếp tục giải quyết các thách thức để mở rộng thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, bao gồm xử lý vấn đề tồn dư cadmium trong sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc và thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, EU.
Bộ cũng nỗ lực khai thác các thị trường mới đầy tiềm năng như các quốc gia Hồi giáo (Halal), Trung Đông, Ấn Độ, Hàn Quốc và châu Phi. Ngoài ra sẽ theo dõi chặt chẽ động thái áp thuế từ Hoa Kỳ, đẩy mạnh đàm phán và triển khai các giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động bất lợi, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và người nông dân.