Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, doanh nghiệp kỳ vọng khởi sắc từ thị trường Mỹ
Theo ước tính của ngành gỗ, thị trường nội địa hiện có quy mô 5 tỷ USD. Trong 5 năm nữa, thị trường có thể có thể tăng gấp đôi lên 10 tỷ USD. Trong khi đó, vào năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đã đạt 16,25 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm tới 56%.

Xuất khẩu gỗ đối mặt với biến động chuỗi cung ứng và rào cản thuế quan
Ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD năm nay, tiếp đà tăng trưởng mạnh của năm ngoái nhờ vào sự khởi sắc của các thị trường cũng như mở rộng hiện diện nhờ tận dụng các hiệp định thương mại.
Tuy nhiên, bên cạnh những rủi ro đã được dự báo trước như cuộc xung đột Nga – Ukraine, biến động chuỗi cung ứng với cước phí đường biển giữ ở mức cao, ngành gỗ còn phải đối mặt với cơn địa chấn mới từ những thay đổi về chính sách thuế quan của Mỹ vài tuần trở lại đây.
Mỹ là thị trường chiếm tới gần 56% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào năm ngoái. Do đó, bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách ở thị trường này cũng sẽ tác động rất lớn tới hoạt động đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh cũng như kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam.
Chỉ vài ngày sau khi công bố thuế đối ứng lên các đối tác thương mại hồi đầu tháng này, Mỹ đã quyết định tạm hoãn trong vòng 90 ngày và áp thuế chung ở mức 10% cho các thị trường.
Mặc dù thấp hơn rất nhiều mức 46% mà Việt Nam sẽ phải chịu theo công bố ban đầu của Mỹ, mức thuế suất 10% cũng khiến nhiều doanh nghiệp ngành gỗ thêm áp lực. Nguyên nhân là bởi ngay cả khi đàm phán được với đối tác chia đôi phần thuế này, mức 5% cũng “thổi bay” lãi của nhiều doanh nghiệp, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định tại Diễn đàn doanh nghiệp 2025.

Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho biết trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh căng thẳng thương mại như hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ coi thị trường trong nước như là "phao cứu sinh", bù đắp cho lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội gỗ và Lâm sản đánh giá dù là một giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, song thị trường trong nước còn có quy mô nhỏ và không đủ tiềm năng lợi nhuận để bù đắp cho hoạt động xuất khẩu của cả ngành gỗ Việt Nam.
Theo ước tính của ngành gỗ, thị trường nội địa hiện có quy mô 5 tỷ USD. Trong 5 năm nữa, thị trường có thể có thể tăng gấp đôi lên 10 tỷ USD. Trong khi đó, vào năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đã đạt 16,25 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm tới 56%.
“Chúng tôi không sao nhãng, bỏ quên thị trường trong nước, mà chỉ vì thị trường này quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, không như khách hàng Mỹ vốn dùng sản phẩm đồng loạt, người Việt chỉ thích sản phẩm "may đo" và không thích mua những thứ có sẵn”, ông Hoài nêu thực tế.
Mặc dù vậy, trong số 340 làng nghề gỗ ở các vùng nông thôn, đã có có nhiều làng nghề bắt đầu tham gia đấu thầu cung cấp sản phẩm nội thất gỗ cho các dự án chung cư trong thành phố.

Mong muốn Chính phủ đẩy mạnh đàm phán với Mỹ để sớm có một thỏa thuận thương mại phù hợp
Ông Hoài nhận định những doanh nghiệp vừa xuất khẩu và khai thác thị tương trong nước có thể sống sót qua những cơn địa chấn như này. Mặc dù vậy, đa số các doanh nghiệp trong ngành gỗ đều xuất khẩu mô-đun sang Mỹ với nhiều container lớn.
Do đó, ông Hoài mong muốn Chính phủ đẩy mạnh đàm phán với Mỹ để sớm có một thỏa thuận thương mại phù hợp, giúp các doanh nghiệp ngành gỗ yên tâm hoạt động.
“Hiện các doanh nghiệp gỗ trông đợi vào việc đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời cũng trông đợi vào sự "nương tay" của chính quyền Mỹ. Chúng tôi coi mình như một đoàn người leo núi, có những lúc cần dừng lại và nhìn lại sau lưng mình, để từ đó định vị lại, tìm đường đi tiếp”, ông Hoài nhận định.
Không chỉ doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam phụ thuộc thị trường Mỹ, nhưng ngược lại, gần 40% sản phẩm nội thất mà Mỹ nhập khẩu từ các nguồn trên thế giới đến từ Việt Nam. Hầu hết các nội thất của các bất động sản Mỹ có giá trị từ 200.000-500.000 USD hầu hết đến từ Việt Nam.

Đa dạng hóa thị trường nhờ vào các hiệp định thương mại tự do hay quay trở lại thị trường nội địa là hai trong số các giải pháp được nhiều chuyên gia đề xuất nhằm giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững hơn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chánh Phương – Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho biết, trong vòng 3 – 6 tháng tới, đa dạng hóa thị trường là câu chuyện quá sớm.
Trên thực tế, việc tìm kiếm các sân chơi mới cũng không hề hễ bởi ngay cả các thị trường khác Mỹ cũng đang quá chật chội. Không chỉ vậy, việc quay lại thị trường nội địa không hề dễ khi ngành gỗ Việt Nam hiện nay xuất khẩu khoảng 16 tỷ USD (theo dữ liệu năm 2024) trong khi dung lượng thị trường trong nước chỉ ở mức khoảng 4 tỷ USD.
“Việc đa dạng hóa thị trường không thể làm trong ngắn hạn, thậm chí cả trong trung hạn”, ông Phương nhận định. “Tôi hy vọng vào khả năng thương lượng của chính phủ và nội lực của ngành gỗ. Thị trường Mỹ vẫn là thị trường rất tốt với ngành gỗ Việt Nam và chúng ta vẫn tự tin về vị thế so với các thị trường khác”.
Ông Phương cũng cho biết hiện nay, trong nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào Mỹ, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 15% về số lượng nhưng lại chiếm tới 65% về thị phần xuất khẩu và trong đó, cũng có không ít doanh nghiệp từ Trung Quốc hoặc có nguồn vốn liên quan đến Trung Quốc.
“Tôi vẫn tin rằng các doanh nghiệp này đầu tư nghiêm túc tại Việt Nam bởi Việt Nam hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh về nguyên vật liệu cũng như lao động và tay nghề lao động. Với bối cảnh thuế quan như hiện nay, các nhà máy FDI có khả năng sẽ rút bớt và đây là cơ hội để doanh nghiệp thuần Việt có thể tự tin giành lấy cơ hội vào Mỹ cũng như các thị trường còn lại của thế giới”, ông Phương nhấn mạnh./.